Tham dự Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch triển khai Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế pháp luật bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa và ứng phó biến đổi khí hậu để tăng cường năng lực thích ứng và phục hồi của quốc gia, hiện thực hóa Thỏa thuận chung Paris; vai trò của doanh nghiệp để xây dựng một thế giới bền vững hơn trong thập niên mới…

Bên cạnh đó, các diễn giả thảo luận về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường; chính sách, kế hoạch tăng cường vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động phát triển bền vững; các thông lệ tốt từ mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo. Các chuyên gia đề xuất các chính sách cho Chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm tại doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ hậu đại dịch COVID-19…

{keywords}
Việt Nam còn “nhiều việc phải làm” để đạt được các nhóm mục tiêu, chỉ số đề ra trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận thức rõ trách nhiệm phát triển bền vững, kinh tế xanh. Điều này đã góp phần thay đổi thứ hạng của Việt Nam, từ vị trí thứ 88 (năm 2016) lên vị trí 49 (năm 2020), trong khảo sát, đánh giá, xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong 700.000 doanh nghiệp ở Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 100.000 doanh nghiệp được phổ biến, tiếp cận về phát triển bền vững, khoảng 2.000 doanh nghiệp là thành viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. Do đó, Việt Nam còn “nhiều việc phải làm” để đạt được các nhóm mục tiêu, chỉ số đề ra trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững.

“Thách thức lớn nhất là làm cho tất cả mọi người nhận thức được phát triển bền vững là việc phải làm ngay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ, cùng với việc thúc đẩy phát triển bền vững, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, khuyến khích, cần phải xây dựng khung khổ pháp lý, hình thức ưu tiên các nguồn lực, trợ giúp, tôn vinh, thậm chí xử phạt cụ thể, rõ ràng. Những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển bền vững không chỉ liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đất, nước… mà cần lưu tâm đến các vấn đề xã hội. 

Nhấn mạnh phát triển bền vững không tách rời xu thế tất yếu của chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân có nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó hình thành nền tảng dữ liệu dùng chung, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Phó Thủ tướng đề nghị VCCI, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi, ghi nhận ý kiến nhằm tháo gỡ các vướng mắc, không ngừng đổi mới khung khổ chính sách để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Việc tăng cường hợp tác để phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức; giữa các nhóm trong từng doanh nghiệp.

Thu Hằng