Nhiều năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai mô hình lúa tôm: Bốn tháng lúa (cuối tháng 8 âm lịch đến cuối tháng 12 âm lịch) và tám tháng tôm (đầu tháng Giêng âm lịch đến cuối tháng 8 âm lịch). 

Giám đốc Nông Văn Thạch cho biết, với đặc tính bốn tháng lúa, một năm nông dân chỉ sản xuất một vụ. Nhờ 8 tháng chuyển sang nuôi tôm, đất có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, hình thành phù sa và dinh dưỡng lớn trên mặt ruộng, từ đó góp phần giảm 50% lượng phân bón so với vùng đất canh tác chuyên lúa. 

Nhờ cắt vụ để nuôi tôm, sâu, bệnh trên lúa cũng bị hạn  chế. Bên cạnh đó, bà con thường kỹ lưỡng chọn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để không gây hại cho tôm, cá. Yếu tố này góp phần tạo vùng sản xuất lúa gạo sạch, định hình tập quán sản xuất an toàn, bền vững của bà con nông dân. 

“Khi canh tác lúa ST24, ST25 để đạt hiệu quả tối đa, Hợp tác xã áp dụng quy trình canh tác “3 giảm - 3 tăng” và biện pháp “Phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM” giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm công chăm sóc... Quy trình bón phân thông minh cũng đã được áp dụng, theo đó, bà con chọn bón cân đối các nguyên tố đa, trung và vi lượng, đồng thời bón đúng thời điểm cho cây lúa”, ông Thạch dẫn chứng cụ thể.

“Việc triển khai mô hình tôm lúa kết hợp đã giúp nông dân thu lợi nhuận từ 60 – 100 triệu đồng/ha/năm. Đây được xem là mô hình thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng vụ tôm càng xanh, bà con có thể nuôi kết hợp với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Cách nuôi này giúp thành viên có nguồn thu nhập và tận dụng hết nguồn thức ăn trong ruộng nuôi. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ từ nuôi tôm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình nêu bật hiệu quả của mô hình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình được thành lập từ năm 2018, tổ chức hoạt động sản xuất theo mô hình 2 vụ tôm, 1 vụ lúa. 

Năm 2022, Hợp tác xã có tổng số có gần 200 thành viên, diện tích vùng nguyên liệu lúa Một bụi đỏ Hồng Dân, ST24, ST25 của Hợp tác xã lên đến 1.000 ha. 

anh bai 31.jpg
Hợp tác xã đang xây dựng hồ sơ tham gia Chương trình phân hạng OCOP đối với sản phẩm “Gạo lúa - tôm Ba Đình”. 

Thời gian qua, Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất, làm dịch vụ cho thành viên với nhiều công đoạn như cải tạo đất, lúa giống, bơm tưới, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc, rải phân, thu hoạch… 

Trong số 14 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, có 9 dịch vụ sản xuất - kinh doanh tại chỗ và 6 dịch vụ liên kết với các doanh nghiệp. 

Từ đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã trong năm 2022 đạt hiệu quả khá, lợi nhuận thu về sau khi đã trừ đi các chi phí còn lãi được hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý, chi phí cho sản xuất đầu vào về giống lúa, giống thủy sản, thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... của các thành viên và bà con nông dân trong vùng nguyên liệu có liên kết đã giảm được hàng tỷ đồng.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hoạt động sản xuất – kinh doanh, mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình đã tổ chức hành trình trải nghiệm thu hoạch tôm càng xanh cùng nông dân cho khách du lịch. Hành trình được diễn ra vào Thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần. Du khách được đưa đến thăm những cánh đồng lúa – tôm, cùng với nông dân địa phương trải nghiệm các hoạt động thăm đồng, thu hoạch tôm càng xanh, sau đó có thể mua tôm tươi tại ao về hoặc thuê chế biến tại chỗ với hình thức nướng rơm, nướng lá hoặc luộc nước dừa, thưởng thức ba khía trộn do Hợp tác xã sản xuất

Vừa qua, Giám đốc Nông Văn Thạch đã được Ban Thường vụ Huyện Đoàn hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 với sản phẩm “Gạo lúa - tôm Ba Đình”. 

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng với xã Vĩnh Lộc A sớm đạt tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới. 

Minh Hưng và nhóm PV, BTV