Tháng 8/2023, Brand Finance (tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, trụ sở tại Anh Quốc) cũng vừa công bố giá trị thương hiệu Vinamilk tiếp tục tăng lên mốc 3 tỷ USD. Vinamilk tăng thêm một hạng, lên giữ thứ hạng số 2 trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị trí Thương hiệu thực phẩm có giá trị cao nhất Việt Nam và Thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu. Đặc biệt, Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào Top 5 Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu.
Đóng góp vào giá trị thương hiệu của Vinamilk là một phần quan trọng của yếu tố phát triển bền vững vào trong chiến lược kinh doanh, thể hiện ở các định hướng và cam kết nghiêm túc “đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.”
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong năm 2022, báo cáo nêu bật: "Vinamilk đã triển khai thành công hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm…” và có “một trong các sản phẩm sữa tươi đầu tiên trên thế giới đạt được chứng nhận về Clean Label”. Về mặt xã hội, Vinamilk vẫn tiếp tục quan tâm đến “Dinh dưỡng cho thế hệ tương lai” và đã có 16 năm thực hiện “Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam”.
Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance, nhận định, tính bền vững đang trở thành xu thế quan trọng. Vinamilk đang thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững trong ngành thực phẩm, nắm bắt đúng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Nhờ vậy, họ luôn là thương hiệu phổ biến nhất đối với người Việt.
Tương tự, giá trị thương hiệu của PNJ do Brand Finance công bố năm 2022 đã tăng 3,7 lần so sau 5 năm, đạt 367 triệu USD. PNJ cũng đã bứt phá, vượt lên vị trí thứ 2, chỉ sau FedEx trong bảng xếp hạng về trải nghiệm khách hàng của KPMG.
Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Ủy ban ESG của PNJ, chiến lược ESG đã được tích hợp vào cùng chiến lược phát triển tổng thể của PNJ. Qua đó, mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội của PNJ đều lấy ESG là kim chỉ nam.
Ở PNJ, ESG gồm ba trụ cột môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Bộ tiêu chuẩn này giúp đo lường các yếu tố liên quan phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp với cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ, trong quá trình phát triển và xác định trở thành tập đoàn toàn cầu, FPT luôn cam kết phát triển bền vững. Ông Khoa cho biết, khi FPT đi ra nước ngoài, được tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và nhận thấy Việt Nam đang chậm lại so với thế giới.
Các doanh nghiệp trên thế giới, đối tác, khách hàng của FPT yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh. Tập đoàn FPT luôn học hỏi mô hình hay và để áp dụng trong doanh nghiệp, mỗi năm dành ra 3% doanh thu cho các hoạt động phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, ngày xưa, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá rẻ hoặc tạo sự khác biệt. Nhưng giờ những thứ đó đã dần bị xóa nhòa. Lợi thế cạnh tranh mới sẽ là phát triển bền vững theo hướng xanh hóa sản xuất, xanh hóa mô hình kinh doanh.
Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế của người đi sau, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để giảm thất bại, tăng thành công; có thể sử dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để rút ngắn thời gian chuyển mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Dưới góc độ là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới, trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây nhiều hệ lụy cho người dân trên toàn cầu.
Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia, có nhiều yêu cầu rất khắt khe về phát triển xanh, phát triển bền vững.
Để có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư, định hướng rõ ràng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững. Doanh nghiệp nên đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa nguồn lực tạo ra sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.