Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển công nghiệp và du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn không ít hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp và du lịch gắn với biển
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa với các nước Lào, Thái Lan, Mi-an-ma trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây được kết nối với đường hàng hải quốc tế từ cảng Vũng Áng - Sơn Dương theo đường 12C đi Lào qua Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình), đường 8A qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Phía tây, có đường biên giới giáp với Lào dài 164,48km; phía đông, đường bờ biển dài 137km trải dọc theo địa bàn 6 huyện, thị xã, gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với nhiều bãi tắm đẹp: Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Hoành Sơn... Trong đó, bãi biển Thiên Cầm được xem xét quy hoạch trở thành 1 trong 46 khu du lịch quốc gia.
Bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên, vùng ven biển Hà Tĩnh có tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, có thể khai thác, phát triển du lịch. Trong số 86 di tích cấp quốc gia và 529 di tích cấp tỉnh của tỉnh hiện nay có hơn 30% nằm ở các xã ven biển với đầy đủ các loại hình, như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ, am, miếu... Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vùng ven biển rất đa dạng, nhiều lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia, như lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành, lễ hội đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót, lễ hội chùa Chân Tiên ở Lộc Hà, lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng, lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở thị xã Kỳ Anh... Nhiều loại hình dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển, như hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo...
Các bãi biển của Hà Tĩnh kết nối thuận lợi với các di tích, danh thắng ở các khu vực khác trên địa bàn tỉnh, như hồ Kẻ Gỗ, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên); Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích (huyện Can Lộc); Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (huyện Đức Thọ); Khu sinh thái Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Khu nước sốt Sơn Kim (huyện Hương Sơn); Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân); hồ thủy lợi Ngàn Trươi, gắn với vườn quốc gia Vũ Quang, căn cứ khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Thác Vũ Môn, thành Sơn Phòng - Hàm Nghi (huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê)...
Với vị trí chiến lược, cửa ngõ quan trọng của hành lang Đông - Tây, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp và du lịch gắn với biển. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, trong đó phấn đấu năm 2030, kinh tế biển đóng góp 65 - 70% GRDP của tỉnh; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và khai thác có hiệu quả du lịch ven biển.
Thực trạng phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển
Đối với phát triển công nghiệp ven biển
Để khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế biển, ven biển trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung cao thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2-8-2012, “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2020”; tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ trương lớn trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 892/QĐ-TTg, ngày 26-7-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”.
Tỉnh Hà Tĩnh có Khu kinh tế Vũng Áng - một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia, diện tích hơn 227,81km2, là khu kinh tế đa ngành, trọng tâm sản xuất thép, các sản phẩm sau thép, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển và logistics... Hiện Khu kinh tế có 153 dự án, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60.000 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15,7 tỷ USD. Riêng lĩnh vực công nghiệp có 82 dự án, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, chế biến, chế tạo... Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương mở rộng quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng, để từng bước trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh cũng như của khu vực.
Thời gian qua, các nhóm ngành công nghiệp ven biển đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế; trong đó, sản xuất thép với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh công suất giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn/năm (dự kiến nâng công suất lên 15 triệu tấn/năm trước năm 2030), đang trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển các ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Sản xuất điện với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200 MW và Nhà máy điện năng lượng mặt trời Cẩm Hòa. Năm 2021, tỉnh đã khởi công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II có vốn đầu tư nước ngoài gần 2,2 tỷ USD và Nhà máy sản xuất Cell Pin của Tập đoàn Vingroup, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ triển khai sớm dự án khu công nghiệp sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ USD.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó 4 cụm công nghiệp ven biển, gồm: Thạch Kim, Thạch Bằng, Cẩm Nhượng và Kỳ Ninh, với tổng diện tích quy hoạch là 24,73ha, thuộc các ngành, nghề chủ yếu, bao gồm: chế biến thủy, hải sản và hậu cần nghề cá. Đến nay, có 56 cơ sở đã đầu tư vào các cụm công nghiệp này, với tổng mức đầu tư khoảng trên 300 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp ven biển đi vào hoạt động đã thu hút các cơ sở, làng nghề truyền thống trong khu dân cư vào sản xuất tập trung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương, đặc biệt là đối với ngành, nghề chế biến thủy, hải sản ở những nơi tập trung đông dân cư.
Ngoài Khu kinh tế Vũng Áng và các cụm công nghiệp ven biển, tỉnh Hà Tĩnh có một số dự án công nghiệp ven biển, như: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (hiện đang tạm dừng), các dự án khai thác mỏ Ilmenite dọc ven biển; có 2 dự án điện mặt trời và một số dự án điện gió đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.
Mặc dù đã đạt một số kết quả khá, nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp khu vực ven biển tỉnh Hà Tĩnh chưa tương xứng với tiềm năng, mới dừng lại ở các sản phẩm hữu hình. Trong khi đó, các nguồn lợi lớn như vị trí địa lý chiến lược, lợi thế của cảng biển nước sâu để giao thương với khu vực và quốc tế chưa được khai thác triệt để.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông có nhiều thuận lợi, tuyến đường ven biển đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được xúc tiến khởi công vào cuối năm 2022. Các dự án lớn đang được triển khai cùng với việc nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh nói chung và Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng sẽ tạo ra triển vọng phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp gắn với biển. Để phát huy tiềm năng, cơ hội, đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, xây dựng kế hoạch chi tiết phát triển công nghiệp trong phương án phân bố không gian vùng đồng bằng ven biển, trong mối liên kết với quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; phối hợp lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư công nghiệp ven biển: 1- Xây dựng, tích hợp chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh; 2- Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-11-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; 3- Ưu tiên nguồn lực, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; 4- Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển du lịch ven biển đặt trong tổng thể phát triển kinh tế biển, kết nối các vùng trong tỉnh và liên vùng với các địa phương trong khu vực.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước; thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư bảo đảm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ quy trình xả thải, xử lý môi trường trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển, không đánh đổi phát triển kinh tế với môi trường.
Ba là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là hạ tầng cảng Vũng Áng, Sơn Dương, hệ thống giao kết nối đường ven biển, các tuyến giao thông trọng yếu theo hướng hiện đại, đồng bộ tạo liên kết vùng. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tạo nền tảng thu hút đầu tư, hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hậu thép, sớm hình thành thành phố công nghiệp ven biển gắn với Khu kinh tế Vũng Áng, trên cơ sở phát triển thị xã Kỳ Anh, tạo sức lan tỏa, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế trên địa bàn.
Bốn là, phát triển bền vững kinh tế biển, các sản phẩm công nghiệp hiện đại, kết nối với các địa phương vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, tạo ra chuỗi ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu dựa trên lợi thế cảng quốc tế. Thực hiện tốt đề án về hiện đại hóa các đội tàu khai thác thủy sản; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết trên biển để hỗ trợ sản xuất; áp dụng tốt các chính sách đã ban hành về đầu tư phát triển hệ thống thu mua, dịch vụ, chế biến thủy sản bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm sau khai thác cho ngư dân; chính sách hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ chế biến hiện đại nhằm chế biến thủy hải sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng...
Năm là, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển thông qua việc lựa chọn một số khâu, một số lĩnh vực có thể đột phá, áp dụng những thành tựu của nền kinh tế tri thức và của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình kinh tế.
Đối với phát triển du lịch
Nhăm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch, từ năm 2013, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Ngày 7-12-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch tỉnh Hà Tĩnh tập trung đầu tư phát triển gồm: sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch bổ sung, như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng. Từ những quyết sách đó, du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều khởi sắc.
Giai đoạn 2015 - 2020, tổng lượt khách tham quan du lịch đến tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 19 triệu lượt người, mang lại tổng doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành.
Trong giai đoạn 2011 - 2018, số lượt khách du lịch đến tỉnh Hà Tĩnh tăng bình quân 4,91%/năm. Năm 2016, doanh thu và số lượng khách giảm do tác động của sự cố môi trường biển. Năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng chương trình “Khôi phục và phát triển du lịch biển sau sự cố môi trường”, từ đó ngành du lịch phục hồi trở lại. Nhưng do tác động của đại dịch COVID-19, liên tục các năm 2020, 2021 doanh thu du lịch sụt giảm; sáu tháng đầu năm 2022, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về cơ cấu khách du lịch, giai đoạn 2015 - 2020, khách lưu trú du lịch đạt hơn 8,7 triệu lượt, khách lưu trú quốc tế gần 143.000 lượt; khách lưu trú nội địa hơn 8,5 triệu lượt.
Phần lớn lượng du khách đến tỉnh Hà Tĩnh là khách du lịch trong nước. Thị trường khách nội địa đến tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu từ khu vực Hà Nội, chiếm hơn 30%. Khách du lịch nội địa đến chia thành các nhóm chính: nghỉ dưỡng biển, tắm biển chiếm 30%, công vụ kết hợp đi du lịch chiếm gần 25%, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh chiếm 30%, du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên chiếm 15%.
Thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh là Lào chiếm 40%, Thái Lan chiếm 30%, Trung Quốc chiếm 20%, thị trường châu Âu và các thị trường khác chiếm khoảng 10%. Nhìn chung, khách du lịch đến từ thị trường Lào và Thái Lan chủ yếu nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; khách đến từ Trung Quốc, châu Âu và các thị trường còn lại chủ yếu kết hợp mục đích công vụ.
Về nguồn nhân lực, ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 7.000 lao động trực tiếp và trên 13.000 lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 33% trong tổng số lao động trong ngành, 37,9% được đào tạo từ các chuyên ngành khác chuyển sang, 20% được đào tạo tại chỗ, còn lại chưa qua đào tạo.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng và các tỉnh của Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan... Một số hệ thống giao thông như: Tuyến thị trấn Cẩm Xuyên - Thiên Cầm; thị trấn Nghi Xuân - Xuân Thành; thành phố Hà Tĩnh - Lộc Hà; các tuyến đường nối quốc lộ 1A với khu vực biển Thạch Hải, đặc biệt là tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng dài gần 68km,.. đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đối với du lịch biển.
Bằng các chính sách khuyến khích phát triển du lịch phù hợp, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến đầu tư tại Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và thị xã Kỳ Anh. Dự án “Hạ tầng du lịch phục vụ phát triển toàn diện” do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ được triển khai, trong đó có nội dung xây dựng hạ tầng Khu du lịch Thiên Cầm, hạ tầng giao thông Khu du lịch Xuân Thành kết nối với Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du...
Mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19, song tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi một số nhà đầu tư, các tập đoàn hình thành các dự án du lịch ven biển. Năm 2021, có 6 dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng số vốn 57,96 tỷ đồng. Đầu năm 2022, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh (huyện Thạch Hà) với tổng mức đầu tư hơn 952 tỷ đồng; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỷ lệ 1/500 với diện tích lập quy hoạch dự án là 480ha; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Mỹ Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỷ lệ 1/500, diện tích lập quy hoạch dự kiến 195ha. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho đầu tư, phát triển du lịch biển tỉnh Hà Tĩnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19.
Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục kêu gọi, phối hợp các nhà đầu tư triển khai các dự án Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh, Khu đô thị du lịch Kỳ Nam; dự án tổ hợp du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam, xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân). Dự kiến từ nay đến năm 2023, tỉnh sẽ có 9 dự án cụm du lịch, đô thị đầu tư dọc tuyến ven biển, tạo điểm sáng cho các đô thị ven biển Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh hiện có 307 cơ sở lưu trú du lịch, riêng khu vực ven biển thuộc xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), xã Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), huyện Lộc Hà, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)... có khoảng 80 nhà nghỉ, khách sạn với gần 1.700 phòng nghỉ; trong đó, Khu phức hợp nghỉ dưỡng du lịch - văn hóa - thể thao - giải trí tại Khu du lịch Xuân Thành được đầu tư quy mô, hiện đại với tổng vốn 3.000 tỷ đồng; Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót với quy mô 24ha với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng tại biển Lộc Hà. Khu du lịch Thiên Cầm hiện có khách sạn Hải Âu tiêu chuẩn tương đương 4 sao đang trong quá trình hoàn thiện.
Du lịch biển Hà Tĩnh chủ yếu sôi động từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8 hằng năm, là thời điểm mùa hè, khí hậu nắng nóng, lượng khách có nhu cầu du lịch biển tăng. Tuy nhiên, cơ sở lưu trú tại các bãi biển còn hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch chủ yếu là tắm biển, nghỉ dưỡng, kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, du lịch tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; kết hợp du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch công vụ hội nghị, hội thảo...
Hoạt động du lịch biển nói chung đã thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và hỗ trợ các ngành, nghề khác phát triển, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách... Du lịch phát triển đã làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn ven biển, hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ du lịch biển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng du lịch.
Mặc dù đã có nhiều bước phát triển trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung, du lịch biển tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa khắc phục được tính mùa vụ, đầu tư còn manh mún, dàn trải, dịch vụ còn tự phát, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, thể hiện ở thu nhập du lịch còn thấp, thời gian lưu trú ngắn, sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng.
Khó khăn khách quan trước hết do điều kiện thời tiết, khí hậu nên du lịch tỉnh Hà Tĩnh mang tính mùa vụ rất rõ nét (3 - 4 tháng/năm); kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, cơ sở lưu trú, xử lý môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ; nhận thức của cộng đồng, cư dân về du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch biển còn thiên về du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, chưa có nhiều hoạt động để thu hút và kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch biển chưa được chú trọng, thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ...
Một số dự án khai thác khoáng sản, nhất là tác động của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sau 11 năm tạm dừng đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển Khu du lịch Thạch Hải. Biển Lộc Hà gần với thành phố Hà Tĩnh nhưng chủ yếu thu hút khách nội tỉnh, thiếu cơ sở lưu trú. Các bãi biển Kỳ Xuân ở huyện Kỳ Anh, biển Đèo Con ở thị xã Kỳ Anh... không đáp ứng nhu cầu của du khách.
Với mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển là trọng tâm, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện một số giải pháp:
Trước hết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, khu vực Bắc Trung Bộ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh, tiếp tục rà soát kế hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu du lịch biển trên địa bàn để điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư du lịch nói chung, du lịch biển Hà Tĩnh nói riêng.
Tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), sớm trở thành khu du lịch quốc gia; triển khai mở rộng không gian đô thị nhằm xây dựng một số đô thị du lịch biển. Phát triển các khu du lịch biển tại Kỳ Anh, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao cùng với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng. Kết hợp phát triển công nghiệp ven biển với du lịch, hình thành sản phẩm du lịch công nghiệp gắn nghỉ dưỡng với thăm quan các nhà máy công nghiệp ven biển.
Thứ hai, quan tâm thu hút, lựa chọn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch có trọng điểm, tránh dàn trải, chắp vá, thiếu đồng bộ, lãng phí vốn đầu tư, hiệu quả không cao. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư du lịch. Đẩy mạnh hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư hạ tầng tiến tới xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch.
Nâng cao năng lực lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và tâm huyết; ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển và liên kết chuỗi các cơ sở dịch vụ - du lịch biển trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các dự án du lịch chưa triển khai, chậm triển khai để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án đã được cấp, nhưng không khả thi để phục vụ cho các mục đích khác, tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ ba, liên kết, kết nối tuyến du lịch phù hợp. Mở rộng kết nối các điểm du lịch biển tỉnh Hà Tĩnh với hành trình “Con đường di sản miền Trung”, tuyến du lịch xuyên Việt, đặc biệt là khai thác tối đa tuyến hành lang Đông - Tây... Tích cực, chủ động khai thác nguồn khách truyền thống tại thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tiếp cận và khai thác nguồn khách du lịch tiềm năng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... Chủ động khai thác nguồn khách quốc tế truyền thống, như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, các nước ASEAN...
Thứ tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với du lịch biển(1). Triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm và sản phẩm du lịch hiện có nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch biển trên cơ sở khai thác các giá trị sinh thái biển, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng và bền vững, như tham quan các làng chài, làng nghề mang bản sắc vùng ven biển và tận dụng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn mới... kết hợp du lịch văn hóa tâm linh; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, như du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng; du lịch thương mại, công vụ; du lịch vui chơi, giải trí, tham quan các di tích văn hóa lịch sử, danh thắng... Tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống ven biển sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách, như: nước mắm, chế biến các sản phẩm địa phương, trên cơ sở đó hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Thứ năm, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch. Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực du lịch. Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân trong việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi từ biển; nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững biển. Quan tâm công tác giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ven biển. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút du khách và thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển; ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ vui chơi, giải trí, mua sắm hàng hóa.
Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển; giám sát đánh giá tác động môi trường của các cơ sở lưu trú. Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực ven biển.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, đáp ứng xu hướng chuyên nghiệp hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân lực du lịch tại Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Nguyễn Du, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn... Kết hợp công tác đào tạo nhân lực tại chỗ gắn với liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
Xác định phát triển bền vững các ngành công nghiệp, du lịch gắn với biển là một trong những nhiệm vụ chiến lược, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, thực hiện các chính sách về phát triển công nghiệp và du lịch, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ./.
----------------------------
(1) Du lịch biển Thiên Cầm kết hợp với tham quan Đảo Én, Đảo Bớc, Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, làng nghề nước mắm Cẩm Nhượng; biển Xuân Thành kết hợp với Khu du lịch sinh thái Đức Đường, chùa Hang, chùa Thiên Tượng, Thiền viện Trúc Lâm; biển Lộc Hà kết hợp với tham quan trải nghiệm văn hóa ẩm thực tại Làng văn hóa du lịch Nam Sơn, làng cá Thạch Kim.
TS. HOÀNG TRUNG DŨNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh
Theo Tạp chí Cộng sản