‘Cô’ tiếp viên hàng không người Mỹ gần 70 tuổi, mái tóc bạc trắng, nước da nhăn nheo có phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp gợi nên nhiều suy nghĩ trong tâm trí người Việt trẻ tuổi.

Vừa rồi, tôi đáp máy bay hãng Delta đi đến quần đảo Hawaii để gặp một số bạn sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Bước vào máy bay, đang loay hoay xếp hành lý thì bỗng nghe câu nói "Let me help you, sir" (Hãy để tôi giúp, thưa ông). 

Ngẩng lên nhìn, tôi đặc biệt rất ấn tượng bởi nụ cười rất thân thiện trên khuôn mặt của một bà tiếp viên già mà tôi đoán chắc phải ngoài 65 tuổi.

Thoáng ngạc nhiên, tôi tò mò quan sát “cô” tiếp viên có tuổi với những nếp nhăn hiện rõ dù đã được lớp phấn trang điểm giấu đi phần nào; mái tóc ‘cô’ đã bạc, thân hình không thanh mảnh như những nữ tiếp viên hàng không vốn dĩ luôn là biểu tượng của sự ‘trẻ đẹp’ trong suy nghĩ của nhiều người.

{keywords}
Từ chuyện ‘cô’ tiếp viên hàng không người Mỹ...

Điều đáng nói là dù có tuổi nhưng phong cách phục vụ của họ rất chuyên nghiệp, không thua gì các tiếp viên trẻ. Từng câu nói, hành động của họ đều thể hiện những chuẩn mực của một nghề làm dâu trăm họ mà không hề có biểu hiện nào bị tác động bởi tuổi tác.

Tình huống này lại khiến tôi nhớ đến trong không ít chuyến bay ở Việt Nam, thi thoảng vẫn bắt gặp hình ảnh những nữ tiếp viên trẻ đẹp nhưng mặt lạnh tanh, thái độ thờ ơ, trịnh thượng, vô cảm trở thành nỗi khó chịu thường trực đối với nhiều hành khách. 

Sự so sánh bao giờ cũng khập khiễng, song hai hình ảnh đó ít nhiều vẫn gợi lên những suy nghĩ. Có lẽ “khách hàng là thượng đế’ chưa thành tiêu chí ở nước mình!

Nhìn từ góc độ khác, khi phần lớn các ông bà người Việt của chúng ta ở tầm tuổi này đều coi như là đã hạ cánh an toàn, an dưỡng tuổi già, vui vầy với con cháu, yên tâm với đồng lương hưu hay được con cháu chăm sóc thì những người già Mỹ vẫn hàng ngày phục vụ hành khách ở một lĩnh vực, ngành nghề mà chắc chắn không dành cho tuổi già. 

Tôi là người đi nhiều, đã quen thuộc với những chuyến bay dài. Thế nhưng sau mỗi chuyến bay vẫn thường không tránh khỏi sự mệt mỏi. Ấy mà những người già hơn tôi tới vài chục tuổi, họ phải bay nhiều ngày trong một tuần và phải phục vụ hành khách trong một không gian rất đặc biệt: chật hẹp, không thăng bằng, đối mặt với nhiều hiểm nguy và thượng đế cũng là những người không bình thường như dưới mặt đất. 

Vẫn biết bay nhiều sẽ quen nhưng chắc chắn họ sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ về sức khỏe, vốn đang ngày càng xa rời họ vào độ tuổi này. 

Mệt mỏi là đương nhiên, vậy mà họ vẫn giữ được sự chuyên nghiệp tuyệt đối của nghề tiếp viên, quả thực là điều đáng khâm phục.

Quả thực, không chỉ riêng chuyến bay này, ở nhiều chuyến bay khác tôi vẫn thường gặp những bà già tiếp viên như thế.

Thực tế, khi đến Mỹ, rất dễ bắt gặp trên đường phố những tài xế tuổi ngoài 70, thậm chí 80 tuổi lái xe chuẩn mực và điệu nghệ không khác gì so với cánh tài xế trẻ tuổi. 

Trong các siêu thị, rạp chiếu phim, nhà hàng, bảo tàng mà nhiều nơi khác, hình ảnh các ông lão, bà lão lau chùi, quét dọn bàn, kiểm soát vé, hướng dẫn khách tham quan... một cách cần mẫn, cẩn thận mà vẫn không thiếu nụ cười trên khuôn mặt già nua. 

{keywords}
Hình ảnh người già hăng say hoạt động thể thao cùng giới trẻ rất dễ bắt gặp trên  đường phố của nước Mỹ   - Ảnh: Thanh Hùng

Họ làm việc không thua kém gì mấy so với những người trẻ tuổi xét về hiệu quả công việc, thậm chí có khi bằng hoặc hơn vì người già thường nhẫn nại, không nóng nảy, mất kiên nhẫn như người trẻ. 

Ở Mỹ, nhiều người già khi về hưu lại bắt đầu một sự nghiệp mới, một hành trình khám phá mới, một cuộc sống mới mà không tuổi tác nào có thể ngăn cản được họ.

Văn hóa nước Mỹ không cho phép người già sống dựa hay có một sự ỷ lại nào đó vào con cái. Bản thân họ cũng ít khi cho phép mình như vậy. 

Tôi được nghe một câu chuyện của một anh bạn sống ở ngoại ô New York rằng mặc dù nhà anh sống cách nhà mẹ già chỉ mấy bước chân và bao lần anh nằng nặc mời bà về sống cùng nhưng bà vẫn không chịu. Tuyệt nhiên anh và bà không có xích mích gì, hai mẹ có rất vui vẻ. Lý do anh cho biết, người già Mỹ cảm thấy họ là gánh nặng cho con cái nếu phải sống chung dưới một mái nhà. 

Phần lớn người già Mỹ không sống cùng con cái vì phần lớn sau khi đã đủ 18 tuổi, đi học đại học, con cái thường ra khỏi gia đình để bắt đầu một cuộc sống tự lập. Vì vậy, đối với người già, đi làm là niềm vui và cũng là để tiếp tục kiếm tiền để sống nốt phần đời còn lại của mình mà không làm phiền đến con cháu. 

Họ quan niệm rằng, con cái họ có đời sống riêng và cũng phải vất vả kiếm tiền để lo cho gia đình, cho vợ và con. Khi đã quá già không còn làm việc được nữa, hoặc không thể sống một mình, người già Mỹ có thể chọn vào sống ở các trung tâm bảo trợ phúc lợi xã hội, ít người chọn về ở với con cái.

Văn hóa Việt Nam nhìn nhận người già ở một lát cắt rất khác. Người già xứng đáng được nghỉ ngơi, được con cái quan tâm, chăm sóc để bù lại cho những tháng ngày vất vả làm việc và nuôi con cái trưởng thành. 

Người già Việt phần lớn sống cùng với con cái. Do đó, việc người già phải làm lụng vất vả, nhất là làm những công việc lao động nặng nhọc là điều không phổ biến và xã hội thường có ấn tượng xấu về con cháu của những người già đó vì đã để  bố mẹ, ông bà họ lâm vào hoàn cảnh này. 

Hình ảnh thường thấy về người già Việt Nam là vui chơi, chăm lo, nuôi nấng, dạy bảo con cháu, tham gia các hoạt động, sinh hoạt của cộng đồng địa phương như các câu lạc bộ người cao tuổi để có niềm vui trong cuộc sống... 

Ít có người già Việt Nam nào có suy nghĩ họ có thể bắt đầu một sự nghiệp mới, làm những điều mình thích mà không sợ con cháu hay xã hội cho là không phù hợp với độ tuổi. 

Tất nhiên, cũng phải nói một cách công bằng, vẫn có những người già ở Mỹ sống như người già Việt Nam và ngược lại đâu đó ở Việt Nam vẫn có người già sống một cuộc sống không khác gì người già Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số, không đại diện cho đại bộ phận người già Mỹ và người già Việt Nam với hai cách sống khác nhau mà tôi đã đề cập ở trên.

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một nền văn hóa riêng, có cái hay cũng có cái không hay. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, chính suy nghĩ, nhận thức và ứng xử, giải quyết mối quan hệ giữa người trẻ với người già đã biến xã hội Mỹ trở thành một xã hội vào loại năng động bậc nhất thế giới. 

Người già ở Mỹ vẫn lao động không mệt mỏi để được tiếp tục hưởng thụ cuộc sống riêng của mình, được làm những gì mình thích, vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội mà không cần phải trông chờ vào người trẻ, vào con cái. Cũng chính nhờ vậy, người trẻ không quá bị ràng buộc trách nhiệm phải lo cho người già để họ có thể yên tâm góp cho xã hội nhiều hơn với sức trẻ của mình. 

Suy cho cùng, già hay trẻ chỉ là sinh ra trước và sau mà thôi. Nói rộng ra, chính sự độc lập và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mỗi cá nhân sẽ khiến con người năng động, muốn cống hiến, khám phá thế giới hơn mà không phụ thuộc vào tuổi tác già hay trẻ.

Đang mải mê với những điều này, bất chợt dòng suy nghĩ bị cắt ngang bởi câu hỏi của "cô" tiếp viên: "any more water, sir?". Tôi nhìn lên, lại bắt gặp một nụ cười thân thiện xua tan mệt mỏi trên chuyến bay dài...  

(Theo VTC)