Lời toà soạn: Quản lý KOL như thế nào để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực là điều cơ quan quản lý đang hướng đến. VietNamNet xin giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài viết liên quan đến đề xuất quản lý KOL được Bộ TT&TT đưa ra. 

Bài 1: Bộ TT&TT đề xuất quản lý và sử dụng KOL tại Việt Nam

Bài 2: Hai minh bạch, một toàn diện trong quản lý KOL tại Mỹ

Bài 3: Trung Quốc không dung thứ KOL ‘sống lệch, sống lỗi’

Bài 4: KOL cần minh bạch khi livestream quảng cáo sản phẩm

Thu nhập cao nhưng phạt như “muỗi đốt inox”

Có một thực tế hiện nay những KOL nổi tiếng khi có phát ngôn lệch chuẩn trên mạng thường chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính với mức 7,5 triệu đồng. Đáng chú ý, có nghệ sĩ quảng cáo thuốc gian dối nhưng cũng chỉ lên mạng xin lỗi sau đó là xong. 

livestream3.png
Thu nhập các KOL hiện nay rất cao nhưng bị phạt lại như "muỗi đốt inox". Ảnh minh hoạ: Unsplash

Theo ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng của Tonkin Media, mức phạt dành cho các KOL phát ngôn lệch chuẩn hay quảng cáo sai sự thật trên mạng hiện nay không khác gì “muỗi đốt inox”, bởi thu nhập của các KOL hiện nay là rất lớn nên họ sẵn sàng bất chấp để phạm luật. 

Đơn cử hiện nay với các KOL thuần chuyên môn như bác sĩ có thương hiệu trên mạng với một clip quảng cáo hay đánh giá thuốc (có giấy tờ đầy đủ), doanh nghiệp thuê phải trả từ 40-60 triệu đồng; với KOL loại B (diễn viên tầm trung) thì mức giá lên đến vài trăm triệu tuỳ nhãn và loại hàng; các ngôi sao hạng A thì chi phí có thể lên đến tiền tỷ…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO của Buzi Agency cho rằng, xét theo thu nhập trung bình của các KOL hiện nay, mức phạt 7,5 triệu đồng có thể được xem là khá nhẹ. Hiện tại, KOL với tầm trung bình có thu nhập từ 20-100 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào sự nổi tiếng và lượng người theo dõi (follow), trong khi những KOL nổi tiếng hơn có thể kiếm được 300 triệu đồng mỗi tháng.

Với thu nhập như vậy, mức phạt này không đủ mạnh để gây ra ảnh hưởng đáng kể đến họ, và do đó có thể không đủ sức răn đe hoặc giúp họ nghiêm túc trong việc tuân thủ quy định phát ngôn.

Ngoài ra, nhiều KOL có thu nhập cao hơn từ các hợp đồng quảng cáo độc quyền, ví dụ như mỗi quảng cáo có thể mang về từ 45-50 triệu đồng. Khi so sánh với mức phạt 7,5 triệu đồng, rõ ràng khoản tiền này chưa đủ để thúc đẩy họ tuân thủ nghiêm túc các quy định về phát ngôn.

Cần tăng mức phạt và áp dụng nhiều giải pháp để quản lý KOL

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, để quản lý các KOL hiệu quả cần áp dụng nhiều giải pháp. Cụ thể, cần tăng mức phạt đối với các hành vi phát ngôn lệch chuẩn hoặc vi phạm đạo đức trên không gian mạng. Ví dụ, mức phạt cần tỷ lệ thuận với thu nhập của KOL, giúp họ cảm thấy tác động tài chính đáng kể khi vi phạm; áp dụng cơ chế xử phạt linh hoạt, ngoài phạt tiền, cần bổ sung các hình thức phạt khác như tạm ngừng hoạt động quảng cáo hoặc cấm tham gia các nền tảng mạng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và danh tiếng của các KOL.

Cần có những quy định rõ ràng về phát ngôn và nội dung chia sẻ trên mạng xã hội dành cho KOL, KOC. Các cơ quan chức năng có thể yêu cầu KOL tham gia các khóa học ngắn hạn về trách nhiệm phát ngôn trên không gian mạng, giúp họ hiểu rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ văn hóa và cộng đồng.

Việc công khai danh sách các KOL vi phạm có thể tạo áp lực từ dư luận, buộc họ phải cẩn trọng hơn khi phát ngôn hoặc quảng cáo sản phẩm.

Cơ quan chức năng cần kết hợp với các nền tảng mạng xã hội để theo dõi hoạt động của KOL. Cần có hệ thống báo cáo và xử lý vi phạm một cách nhanh chóng và công bằng, tránh trường hợp "lọt lưới" do ảnh hưởng của KOL.

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, quản lý và giáo dục các KOL để họ tuân thủ pháp luật không chỉ đòi hỏi tăng mức phạt mà còn cần sự phối hợp của cả cộng đồng, các cơ quan chức năng và các nền tảng mạng xã hội.

Với các KOL quảng cáo thuốc vi phạm, ông Võ Quốc Hưng cũng cho rằng, khi phát hiện quảng cáo thuốc kém chất lượng thì cơ quan thuế cần vào cuộc, có thể phạt gấp đôi so với giá trị hợp đồng quảng cáo và thêm việc cấm sóng hoàn toàn trên các nền tảng trong thời gian ngắn hay dài tuỳ mức độ vi phạm thì sẽ đủ sức răn đe. 

Tại họp báo thường ký tháng 5/2024 của Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những chế tài xử lý các KOL có hành vi lệch chuẩn mang tính nghiêm khắc và răn đe hơn, trong đó theo hướng hạn chế sự xuất hiện hình ảnh biểu diễn của những nghệ sĩ này. 

Trong đề xuất quản lý và sử dụng KOL được Bộ TT&TT cho biết, sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm (bao gồm người nổi tiếng, KOL).

Bài 6: Có nên xem livestream là một nghề và cần cấp phép cho KOL?