|
Phần mềm diệt virus trong nước có lợi thế giá thành thấp và khả năng hỗ trợ ứng cứu nhanh chóng. |
Thị trường phần mềm diệt virus:
Bài liên quan:
>> Thị trường phần mềm diệt virus: "ngoại binh" thắng thế
>> Doanh nghiệp lớn chưa tin phần mềm virus nội
Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Vũ Quốc Thành – Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) xung quanh vấn đề này.
Hiện nay, đã có doanh nghiệp luôn tỏ ra mình mạnh bằng những… tuyên bố gây ấn tượng như chiếm áp đảo thị phần phần mềm diệt virus. Thế nhưng, những thông tin từ khách hàng và thị trường thì không khớp với những tuyên bố này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Bức tranh thị trường phần mềm chống virus trong nước hiện nay tương đối rõ. Đó là sự tham gia của doanh nghiệp trong nước là BKAV, CMC và các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài như Symantec, Trend Micro, McAfee, Kaspersky và doanh nghiệp nhỏ hơn là Bit Defender… Đúng là thời gian qua có rất nhiều tuyên bố “ấn tượng” của các nhà cung cấp về thị phần sản phẩm phần mềm phòng chống virus của họ tại Việt Nam. Không muốn nêu cụ thể nhưng chuyện có nhà cung cấp nói rằng họ chiếm áp đảo thị phần trong nước, hay có nhà cung cấp khác lại cho rằng doanh số lên tới 10 triệu USD tại Việt Nam… thì chỉ bằng suy luận thông thường tôi cũng có thể khẳng định rằng thị trường tại Việt Nam chưa thể lớn đến mức để họ đạt doanh thu như vậy.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có một đánh giá tổng thể, bài bản nào về thị trường phần mềm diệt virus cho nên tôi nghĩ rằng những tuyên bố đó phần nhiều là dựa trên cảm tính từ thông tin thu nhận một chiều do các công ty đưa ra. Tại Hội thảo “Ngày An toàn Thông tin” diễn ra hồi tháng 11/2009, Hiệp hội ATTT chúng tôi có tổ chức một cuộc toạ đàm nhằm thảo luận về các vấn đề xung quanh câu chuyện phần mềm chống virus ở Việt Nam. Tại đó, trước những câu chất vấn của những người tham dự dành cho các nhà cung cấp phần mềm là dựa trên cơ sở nào để đưa ra những tuyên bố về thị trường, thì chính một số nhà cung cấp cũng đã thừa nhận rằng họ chưa có một điều tra chính xác nào, tất cả đều là định tính. Nhưng bên cạnh việc “thoải mái” tuyên bố về thị phần, thì các nhà cung cấp phần mềm cũng chẳng “kiệm lời” khi tuyên bố về khả năng diệt virus của mình.
Việc đánh giá chất lượng các phần mềm chống virus ở Việt Nam cũng chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Với mong muốn có thể chủ động đánh giá toàn diện được phần mềm diệt virus, VNISA cũng đã ấp ủ ý đồ từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa đủ điều kiện về năng lực, kinh phí để tổ chức. Trong thời gian qua có một số đánh giá riêng lẻ ở (như năm 2009, Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về An toàn thông tin của Bộ Quốc phòng có đánh giá một số phần mềm diệt virus), nhưng cũng chỉ được thực hiện ở một góc độ nhất định.
Bên cạnh đó, trong khi trong nước chưa đủ khả năng để thực hiện đánh giá chất lượng phần mềm diệt virus theo chuẩn thế giới thì hiện nay như tôi được biết, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa có điều kiện đưa sản phẩm ra nước ngoài để đánh giá (mỗi lần đánh giá một mẫu sản phẩm có thể tốn chi phí lên đến hàng chục nghìn USD và điều đó cũng đồng nghĩa rằng để đánh giá sản phẩm một cách bài bản cũng rất tốn kém).
|
Ông Vũ Quốc Thành. |
Theo kinh nghiệm của ông thì tại nước ngoài, tuyên bố của các nhà cung cấp phần mềm có được “tự do” như tại Việt Nam hay không?
Ở một số nước tiên tiến trên thế giới họ có những đơn vị thứ ba đứng ra điều tra độc lập về thị trường của các nhà cung cấp. Chính vì thế, cho dù các nhà cung cấp phần mềm diệt virus có muốn tuyên bố như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải dựa trên cơ sở các kết quả điều tra chứ không thể tự mình đưa ra được. Còn tại Việt Nam, trong khi một số lĩnh vực đã có điều tra của đơn vị thứ ba thì với thị trường phần mềm diệt virus tôi chưa thấy có.
Vậy trong điều kiện như hiện nay, để đảm bảo tính khách quan (và cũng là quyền lợi người dùng), với tư cách là Tổng thư ký VNISA, ông có cho rằng chúng ta sẽ khép việc phát ngôn phải có cơ sở nhằm đảm bảo tính trung thực?
Tại Việt Nam tôi chưa thấy có Luật nào quy định về vấn đề này, nên tôi không bình luận ở khía cạnh pháp lý. Còn với Hiệp hội VNISA, chúng tôi chưa đặt vấn đề này ở mức quan trọng quá. Nhưng nếu giả sử sau này các phát ngôn “có vấn đề”, bị dư luận cộng đồng người dùng phản ứng thì chúng tôi nhất định sẽ có trách nhiệm đưa ra bàn trong phạm vi Hiệp hội để sao cho có cách giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi người dùng.
Từ câu chuyện trên, quan điểm của tôi là nếu chưa có một điều tra tương đối chính xác thì các doanh nghiệp không nên đưa ra những tuyên bố ấn tượng theo kiểu gây “sốc”, dễ gây hiểu lầm cho người dùng.
Năm 2010 hứa hẹn đang diễn ra sự cạnh tranh sôi động giữa phần mềm trong và ngoài nước. Theo ông, đặt trong thực tế cạnh tranh đó thì phần mềm diệt virus “nội” sẽ ra sao?
Theo đánh giá của tôi, trong năm 2010 phần mềm trong nước như BKAV và CMC đều tăng trưởng, phát triển được thị trường trước hết là các khối khách hàng trung bình và nhỏ, khách hàng cá nhân. Còn với thị trường các doanh nghiệp và tổ chức lớn có hệ thống CNTT lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp thì các phần mềm diệt virus của các hãng lớn trên thế giới vẫn sẽ có ưu thế. Lợi thế chính của các hãng quốc tế lớn là uy tín, tên tuổi và công nghệ đã được kiểm chứng toàn cầu đi kèm với một chiến lược phát triển giải pháp thường vượt ra ngoài lĩnh vực chống Virus thuần tuý.
Tuy nhiên các công ty trong nước cũng có những lợi thế của riêng mình, đó là giá thành thấp, khả năng trực tiếp hỗ trợ đến khách hàng cuối, hỗ trợ ứng cứu sẽ nhanh chóng hơn các phần mềm của nước ngoài được bán tại Việt Nam...
Xin cảm ơn ông!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 44 ra ngày 12/4/2010.