Kích điện giun đất diễn ra khắp nơi
“Chưa bao giờ hoạt động kích điện bắt giun đất bán cho thương lái Trung Quốc lại diễn ra rầm rộ như thời gian gần đây. Cam đang có trái, nếu không trông coi cẩn thận để ‘giun tặc’ vào vườn kích điện thì vụ này nguy cơ thất thu cao” - một chủ vườn cam ở Cao Phong (Hoà Bình) than thở với PV.VietNamNet sáng 29/8.
Đây cũng là nỗi lo của hầu hết các chủ vườn cây ăn quả tại Hoà Bình. Bởi, kích điện không chỉ giun bị tận diệt mà còn ảnh hưởng đến bộ rễ tơ của cây. Hậu quả, cam vàng lá và chết, năng suất giảm.
Để ngăn chặn tình trạng kích điện giun đất, nhiều chủ vườn cam phải dựng hàng rào dây thép, lắp camera quanh vườn, thức trắng đêm canh người kích giun trộm. Một số chủ vườn còn treo biển “Cấm kích giun, cam hỏng rễ bắt được đền cả vườn. Nếu ai bắt được thưởng 2 triệu đồng”.
Thế nhưng không chỉ ở Hoà Bình, vấn nạn kích điện tận diệt giun đất còn lan ra nhiều tỉnh phía Bắc. Thậm chí, việc sử dụng kích điện bắt giun đất và buôn bán mặt hàng này còn diễn ra quy mô lớn, rầm rộ hơn trước.
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng sử dụng kích điện bắt giun đất và sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất tại 6 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có trên 100 bộ kích điện để đánh bắt giun đất, có 19 cơ sở, hộ sơ chế và thu mua giun đất.
Hoạt động tương tự cũng diễn ra rầm rộ ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Giun sau khi được sơ chế và sấy khô bán cho thương lái nước ngoài với giá 600.000 đồng/kg.
Trên báo Dân Việt, ông Trần Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), thông tin, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện hoạt động sử dụng kích điện để khai thác giun đất ở một số xã như Khả Cửu, Địch Quả, Thục Luyện, Thắng Sơn, Cự Thắng...
Ông khẳng định, đây là hoạt động nguy hại, làm tận diệt giun đất và các vi sinh vật có ích khác trong đất, gây mất cân bằng hệ sinh thái, giảm chất lượng canh tác của tầng đất mặt, gây thoái hóa đất, làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng và môi trường. Mặt khác, việc sử dụng kích điện để khai thác giun đất là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng và động vật.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, tình trạng kích điện khai thác giun đất không chỉ diễn ra tại huyện Thanh Sơn mà cả Thanh Thủy, Yên Lập... Toàn tỉnh có khoảng 20 cơ sở thu mua, chế biến giun đất, riêng huyện Yên Lập có tới gần 15 cơ sở.
Có thể phạt tới 150 triệu đồng
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và đời sống người dân. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, vận động người dân đấu tranh, ngăn chặn hành vi hủy diệt giun đất. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tận diệt giun đất bằng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế theo quy định.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn.
Văn bản của đơn vị này nêu rõ việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (dùng hóa chất, dùng kích điện... ). Trong đó, hành vi huỷ hoại đất được quy định rõ trong Luật Đất đai 2013.
Về hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt.
Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm,... Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng. Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon;
Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô... nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng; góp phần chuyển đổi môi trường đất chua, kiềm hoặc mặn về môi trường trung tính, cân bằng độ PH đất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Trong khi, việc sơ chế giun sẽ phát sinh nước thải, khí thải, mùi hôi thối nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.
“Hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Song, căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt từ 2 triệu đến 150 triệu đồng tuỳ diện tích đất bị huỷ hoại", , Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm đối với các cơ sở thu gom, mua bán, sơ chế giun đất không có đầy đủ hồ sơ môi trường theo quy định và không có các công trình, biện pháp bảo vệ vệ môi trường, mức phạt được quy định cụ thể tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.