Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững” diễn ra ngày 13/12/2023, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã liệt kê một số kết quả đạt được trong môi trường sản xuất của công ty này.
Đáng chú ý, về mặt xã hội, sản xuất lúa được quy hoạch theo từng xã, có đăng ký mã số vùng trồng, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Nông dân trồng lúa được tham gia kinh tế tập thể, từ mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, cho đến hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Qua đó bước đầu hình thành hệ thống sản xuất tập thể, quy mô lớn, tập trung; phát huy được lợi thế về quy mô (economy of scale) và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Về mặt kinh tế, nông dân được đầu tư toàn bộ vật tư nông nghiệp đầu vào, giúp bà con yên tâm sản xuất, không chỉ đảm bảo giá thành sản xuất ổn định mà còn đảm bảo sử dụng đúng liều lượng và đúng quy định về cách ly hóa chất, đảm bảo không tồn dư hóa chất theo đúng quy định của thị trường tiêu thụ, cả ở Việt Nam, Châu Âu, Mỹ và các thị trường quốc tế khác.
Mô hình cơ giới hóa đồng bộ “mặt ruộng không dấu chân” được triển khai, giúp tăng năng suất lao động của nông dân, giảm chi phí canh tác, giải phóng sức lao động ở khu vực nông thôn để bổ sung lao động cho các ngành nghề khác trong khu vực.
Cùng với đó, mô hình canh tác liên tục rải vụ “Lộc Trời 123” giúp cho các nhà máy có vùng nguyên liệu cung ứng liên tục 365 ngày/năm, đồng thời giúp nông dân có sẵn nhà máy chế biến ổn định, không phải lo về nguồn tiêu thụ nông sản. Thêm vào đó, nguồn giống được quy hoạch ổn định dẫn đến chất lượng lúa không bị suy giảm trong trường hợp nông dân phải thay giống lúa mỗi vụ theo nhu cầu thị trường.
Mô hình “canh tác không tiền mặt” giúp số hóa toàn bộ quá trình canh tác lúa. Tất cả hoạt động của nông dân được ghi nhận trên các ứng dụng (app) mà không cần bắt buộc phải có điện thoại thông minh, các ứng dụng này được tích hợp với ngân hàng để có thể theo dõi toàn bộ hoạt động theo thời gian thực, đồng thời ghi nhận các giao dịch trên tài khoản ngân hàng, là cơ sở để cấp các dịch vụ tài chính riêng cho nông dân trồng lúa.
Đặc biệt, với mô hình bán hàng từ đầu vụ, Lộc Trời không đi theo hướng bán gạo như các thương nhân thương mại, mà tổ chức tiêu thụ gạo theo tính chất của một nông dân trồng lúa: Trồng để giao hàng, không trồng để đợi bán. Theo đó, doanh nghiệp muốn mua gạo của Lộc Trời phải đặt trước từ đầu vụ, một số giống lúa quang kỳ thì phải đặt trước 16 tháng. Trên cơ sở đơn hàng đã ký, Lộc Trời tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã để có thể giao gạo đúng theo quy định về quy cách, giống lúa, độ thơm, độ dẻo… một cách ổn định cho người mua.
Về mặt môi trường, Lộc Trời kiên định cùng bà con nông dân thực hành canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP (tổ chức quốc tế lớn nhất về nỗ lực canh tác lúa gạo bền vững) từ khi các quy định này được công bố trên thế giới.
Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Lộc Trời có được nhiều “bí quyết”, bài học kinh nghiệm thông qua tìm tòi, học hỏi và trả giá.
Trước hết, phải đạt được sự đồng thuận của bà con nông dân thông qua quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Lộc Trời đã triển khai hệ thống nhân viên kỹ thuật nông nghiệp “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con nông dân. Nhân viên 3 cùng của Lộc Trời cắm chốt ở nhà nông dân, chia sẻ kiến thức và chịu trách nhiệm về năng suất ổn định qua nhiều mùa vụ chứ không chỉ đến rồi đi.
Tiếp theo là phải chia sẻ thật lòng, không dấu dốt, không dấu xấu để có thể thẳng thắn nói lên những vướng mắc của mình với các đối tác kinh doanh, với bà con nông dân, với các cơ quan quản lý, qua đó chấp nhận trả giá cho những thiếu sót không cố ý của mình và có cơ hội sửa sai cho thời gian sau.
Đặc biệt, phải kiên định với tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. “Sứ mệnh công ty là cùng nông dân phát triển bền vững. Tầm nhìn là xây dựng Lộc Trời trở thành một công ty dịch vụ nông nghiệp ngang tầm quốc tế”, đại diện công ty khẳng định.