Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác Phát triển này bao gồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Tổng diện tích tự nhiên là 144.341 km2, tổng dân số năm 2008 khoảng 6,5 triệu dân (mật độ dân số 45 người/km2), chiếm 19,3% về diện tích tự nhiên và 6,1% về dân số so với cả ba nước:

Sáng kiến thành lập Tam giác Phát triển do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Viêng Chăn (1999). 

W-anh-man-hinh-2024-03-13-luc-130159-1.png

Sau 25 năm qua kể từ ngày thiết lập, ba nước CLV đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, đã và đang góp phần xây dựng khu vực Tam giác phát triển CLV không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức và người dân của ba nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả của khu vực đã đạt được trong thời gian qua, phải thẳng thắn thừa nhận thực tế rằng những kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.

Để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển CLV cho các năm tiếp theo, đòi hỏi ba nước cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề xuất 3 nước CLV cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại; Cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực khu vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch...

Bên cạnh đó, ba nước cũng cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc các lĩnh vực, cụ thể. Cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của khu vực Tam giác phát triển CLV, bao gồm cả các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước; Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tam giác phát triển CLV để khuyến khích thương mại-đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới.

Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng... góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại…; Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực; Triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực này 110 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 3,7 tỷ USD.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV