Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định, truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện. Truyền thông góp phần quan trọng đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025 đi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. 

Tiếp tục khẳng định vai trò của truyền thông trong triển khai, thực hiện Chương trình mục MTQG xây dựng NTM, mới đây, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với Cục Báo chí (BộTT&TT) và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị về truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo kết quả hoạt động truyền thông về xây dựng NTM thời gian qua; định hướng công tác truyền thông giai đoạn 2023 – 2025, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và Nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế, chính sách của Chương trình. 

5 truyen thong ve nong thon moi.jpg
Truyền thông góp phần quan trọng đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về xây dựng NTM.

Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM theo hướng “toàn diện, hiệu quả, bền vững” và phát huy vai trò chủ thể của người dân, giai đoạn 2021 - 2025, công tác truyền thông đang được tổ chức thực hiện có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Trên tinh thần “nông thôn mới - sức sống mới - diện mạo mới”, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp Bộ TT&TT hông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi “Báo chí viết về NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” và Cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với chủ để “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” dành cho các nhà báo ASEAN, đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà báo trong cộng đồng ASEAN. Song song với việc tổ chức các cuộc thi báo chí viết về NTM, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các cuộc thi tác phẩm nghệ thuật về Chương trình NTM trên cả nước…

Công tác tuyên truyền được chú trọng và đẩy mạnh, từng bước đưa các thông tin về xây dựng NTM đến mọi tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Hàng trăm nghìn pano, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phong trào ở khắp các địa phương; hàng vạn bài viết, cũng như các tin phản ánh gương điển hình tiên tiến được đăng trên các báo, các trang tin của Trung ương và các địa phương để tuyên truyền. 

Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, hầu hết các cơ quan truyền thông, từ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử từ Trung ương đến địa phương đều mở chuyên trang, chuyên mục về NTM. Nhiều chuyên mục tiếp tục chú trọng tìm kiếm, khai thác “chất liệu mới”, đi sâu vào khai thác “tính mới” đã được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân, như: “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới”, “Nông nghiệp sạch” (VTV1); “Câu chuyện nông thôn” (Truyền hình Quốc hội); “Nông thôn đổi mới” (Truyền hình Nhân dân); Ban Truyền hình tiếng Dân tộc của VTV; "Nông thôn mới", "Nông thôn chuyển động" và "Cuộc sống nhà nông" (kênh truyền hình VTC16),…

Tiếp tục đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, VPĐP Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn công tác báo chí đi thực tế tại các địa phương (Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh…) với mục đích đưa phóng viên các báo, đài đi thâm nhập thực tế tại cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có cách nhìn thiết thực và sinh động, có chất liệu để xây dựng nên các bài viết mang hơi thở tích cực về cuộc sống NTM. 

Các bài viết không chỉ đơn thuần tuyên truyền chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đến với đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn phản ánh sự việc, sự kiện, đồng thời, mang tính phản biện xã hội khi phản ánh diễn biến thực tiễn đời sống nông thôn qua các vấn đề “nóng” hiện, như: Quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vốn và quản lý vốn; chính sách hỗ trợ sản xuất, con giống; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, cảnh quan và môi trường nông thôn, Chương trình OCOP,...

Có thể nhận thấy, công tác truyền thông về xây dựng NTM  đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, góp phần chuyển đổi nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về xây dựng NTM, nhất là từ thụ động, phụ thuộc vào nhà nước sang chủ động, tích cực hơn. 

Bình Minh và nhóm PV, BTV