Kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển theo hướng tích cực

Sáng 05/10, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau năm 2023. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã và nhân dân; chủ động cập nhật thông tin, bổ sung nội dung tài liệu các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với từng đối tượng.

Các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chương trình về tái cơ cấu nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa, gạo, tôm, cua; phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ môi trường.

anh man hinh 2023 12 03 luc 111139.png
Hợp tác xã Đồng Tiến, ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thời

Tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, tiếp tục khắc phục được một phần yếu kém, quy mô tổ chức hoạt động của hợp tác xã lớn hơn trước; số hợp tác xã khá, tốt tiếp tục duy trì và có bước nâng lên; nhiều hợp tác xã được củng cố, kiện toàn; cung cấp dịch vụ của hợp tác xã được tăng cường hơn, chú trọng hỗ trợ thành viên về chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm bước đầu được hình thành trong một số hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới rõ nét hơn.

9 tháng đầu năm 2023, Cà Mau thành lập mới 25 hợp tác xã, đến nay toàn tỉnh hiện có 281 hợp tác xã, 4.292 thành viên (trong đó đang hoạt động: 247 hợp tác xã, tạm ngưng hoạt động: 34 hợp tác xã). Doanh thu bình quân ước đạt 950.000.000 đồng/năm/hợp tác xã, lãi bình quân ước đạt 300.000.000 đồng/năm/ hợp tác xã. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động được 01 Liên hiệp Hợp tác xã với 06 hợp tác xã thành viên và 59 lao động. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã: 4.635 người, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 50 triệu đồng/năm/người.

Từ đầu năm đến nay thành lập mới 26 tổ hợp tác, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 987 tổ hợp tác, tổng số tổ viên 14.560 người. Trong đó: lĩnh vực nông nghiệp 936 tổ hợp tác, lĩnh vực phi nông nghiệp 51 tổ hợp tác. Hoạt động chủ yếu hỗ trợ cho thành viên trong việc tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật để cùng nhau sản xuất nhằm hạn chế bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, tiếp nhận các chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân. Hoạt động của các tổ hợp tác cơ bản đáp ứng các dịch vụ về sản xuất nông nghiệp cho thành viên, hướng dẫn sản xuất theo quy hoạch, sản xuất đúng lịch thời vụ hàng năm, giúp thành viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hợp tác xã đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy xây dựng NTM thông minh, bền vững

Hợp tác xã đã từng bước đổi mới và phát triển, mạnh dạn đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số hợp tác xã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân. Tuy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ít, quy mô chưa lớn nhưng một số hợp tác xã đã mang đến những lợi ít thiết thực cho thành viên như cung ứng vật tư đầu vào giá thấp hơn thị trường; tiêu thụ sản phẩm đầu ra với giá thỏa thuận cao hơn giá trung bình cùng thời điểm.

Bên cạnh đó nhiều hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, vừa thu hút lao động tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho lao động thành viên.

Đặc biệt các hợp tác xã đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP. Ngoài mục tiêu kinh tế, hợp tác xã còn là cầu nối tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới.

Công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, liên minh hợp tác xã được tập trung chỉ đạo thường xuyên. Phối hợp với tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hỗ trợ hướng dẫn thành lập mới. Năm 2023, ngân sách tỉnh cấp 170.000.000 đồng hỗ trợ thành lập mới cho 20 hợp tác xã và 01 liên hiệp hợp tác xã; tính đến 31/7/2023 đã hỗ trợ được 05 hợp tác xã thành lập mới với số tiền 32.830.000 đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ tư vấn thành lập mới hợp tác xã cấp tỉnh theo Quyết định số 2088/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020; đến nay đã thống nhất lựa chọn 20 HTX tiến hành củng cố, tổ chức lại hoạt động của HTX với kinh phí 121.000.000 đồng.

Năm 2023, ngân sách tỉnh cấp 365.040.000 đồng hỗ trợ 06 cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp; tính đến 31/7/2023, đã  hỗ trợ 262.080.000 đồng cho 04 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp. Hỗ trợ kinh phí đào tạo đại học, cao đẳng cho 01 thành viên với số tiền đồng 34.415.000 đồng, từ nguồn kinh phí địa phương.

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: năm 2023, với nguồn kinh phí được ngân sách cấp 184.000.000 đồng, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ cho 10 hợp tác xã có sản phẩm tiêu biểu, có thương hiệu, sản phẩm đạt OCOP của tỉnh và sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia chương trình xúc tiến thương mại thường niên do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. Hội chợ nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 do Liên minh hợp tác xã Việt Nam chủ trì, là một trong những hoạt động thiết thực giúp các hợp tác xã chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh; xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hóa, tiếp cận trực tiếp các đơn vị xuất nhập khẩu, nhà phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.

Chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong năm 2023 được cấp bổ sung thêm 1.000.000.000 đồng, nâng tổng số vốn điều lệ lên 18.500.000.000 đồng; Quỹ dự kiến đầu tư 36 lượt dự án vay với tổng số tiền 11.000.000.000 đồng, đạt 100% so với kế hoạch năm và tổ chức 01 chuyến đi học tập kinh nghiệm việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Quỹ theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.

Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng, quy mô và chất lượng

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ban ngành các cấp tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai doạn mới trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Phát huy vai trò phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Nghiên cứu, đề xuất thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến nông, khuyến công và chuyển đổi số. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở.

Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng, quy mô và chất lượng; bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn; nghiên cứu, ban hành mới các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như nông lâm nghiệp, du lịch… Nâng cao khả năng dự báo thị trường trên cơ sở đó hình thành, phát triển và mở rộng quy mô nuôi trồng, sản xuất, các trang trại, nhà máy chế biến tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể theo hướng dài hạn.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và có các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; thực hiện lồng ghép có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

3. Liên minh hợp tác xã tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các hợp tác xã để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của hợp tác xã, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển ổn định; phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố củng cố các hợp tác xã yếu kém, giải thể các hợp tác xã đã ngưng hoạt động. Tổ chức học tập các mô hình hay, hoạt động có hiệu quả, các kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể ở các tỉnh bạn, nghiên cứu, đề xuất áp dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh, giúp kinh tế tập thể  tỉnh có bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.

4. Các hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển thêm sản phẩm OCOP; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.

CTV, Đình Thành và nhóm PV, BTV