Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ, đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn.
Hầu hết các vùng quê xứ Quảng đều thực hiện thành công tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM
Tại Quảng Nam tọa đàm "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch" diễn ra hôm 6/10, thu hút gần 200 đại biểu tham dự.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian qua, địa phương đặt tiêu chí bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống gắn với xây dựng huyện NTM, hướng đến huyện NTM nâng cao. Duy Xuyên đã triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các thuần phong mỹ tục mới để nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống trên địa bàn đã trở thành cuộc vận động xã hội rộng lớn. Giờ đây, các vùng quê của Duy Xuyên có cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của người dân.
Đây cũng là diện mạo chung của các làng quê NTM ở xứ Quảng. Các địa phương cũng thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng như duy trì hoạt động thường xuyên các lễ hội truyền thống, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.
Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, tại Quảng Nam, hơn 10 năm qua, hầu hết các địa phương đều thực hiện thành công tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM. Việc hoàn thiện, sử dụng, khai thác có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đảm bảo các điều kiện sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập suốt đời của người dân.
Huyện Tháp Mười đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng NTM
Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát huy giá trị văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng NTM thành công. Theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Trần Thị Quý, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, huyện đã đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống.
Nhờ bảo tồn và kết hợp giữa phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa trong cộng đồng dân cư, chỉ số phát triển kinh tế của toàn huyện Tháp Mười đạt những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2023, số khách đến huyện tham quan, du lịch và trải nghiệm các hoạt động cộng đồng lên tới 446.981 người, tăng hơn 397.800 người so với năm 2022, doanh thu đạt hơn 30,27 tỷ đồng, tăng hơn 25,83 tỷ đồng so với năm 2022.
Ninh Bình: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quyết định chất lượng nông thôn mới
Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, tỉnh Ninh Bình coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều vùng quê ở Ninh Bình vẫn giữ được hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như: Cổng làng, đình làng, những phong tục tập quán, nếp sống, lễ hội, các nghề thủ công truyền thống… Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương tiếp tục quan tâm gìn giữ những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa làng.
Đến thôn Tân Ngọc, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, du khách sẽ bắt gặp một khung cảnh nông thôn tươi đẹp và thơ mộng mang nhiều nét đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Người dân nơi đây trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới đã biết gìn giữ, duy trì và bảo tồn, cải tạo nhiều công trình văn hóa tiêu biểu của thôn, trong đó nổi bật là cây cầu ngói Thượng Gia soi bóng trên dòng kênh xanh. Theo các bậc cao niên trong thôn, cây cầu ngói được hình thành từ hàng trăm năm nay. Di tích này được người dân trân trọng, yêu quý, coi là một trong những "báu vật" của làng, nhắc nhở, bảo ban nhau gìn giữ bởi đó không chỉ là công trình văn hóa mà còn là một chứng tích ghi nhận sự phát triển, gắn bó của bao thế hệ người dân quê.
Các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức thực hiện nền nếp, khơi dậy, kết nối cộng đồng, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân. Hàng năm, hàng chục di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Việc trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa làng chính là mục tiêu luôn được các địa phương đặt ra trong quá trình phát triển, nhằm xây dựng con người mới, nét văn hóa mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Về huyện Yên Khánh, người dân, du khách như "lạc lối" bởi cảnh đẹp nên thơ do những con đường bích họa tạo nên. Hàng trăm bức họa đủ sắc màu khắc họa lịch sử, nét đẹp của vùng đất Cố Đô, những bức tranh về văn hóa làng quê Bắc Bộ hay những bức tranh cổ động xây dựng nông thôn mới thay thế những bức tường cũ, nhuốm màu thời gian tại các vùng nông thôn khiến nhiều du khách cảm thấy thích thú, ngỡ ngàng.
Từ năm 2019, Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh triển khai xây dựng các con đường bích họa để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng; từ đó giới thiệu vẻ đẹp của mảnh đất, con người Ninh Bình, đồng thời góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Những tuyến đường bích họa không chỉ góp phần tô sắc cho cảnh đẹp của làng quê nông thôn mà còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong tham gia xây dựng bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, 19/19 xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được 32 tuyến đường với chiều dài 36 km.