Phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo nêu rõ, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, đất nước đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Song, biến cố đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn đòi hỏi chúng ta có những nhận thức mới về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội thảo (Ảnh:BTC) |
Nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định các mục tiêu chủ yếu cho phát triển kinh tế Việt Nam: đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt GDP đầu người 4.700-5.000 USD.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với GDP đầu người đạt 7.500 USD.
Trong định hướng phát triển kinh tế 2021-2025 tập trung chủ yếu vào: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” với nhiều điểm nhấn mới.
Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, tập trung đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp về mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với từng nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) gắn với các mốc thời gian đến năm 2025, năm 2035 và năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong tình hình mới.
Nổi bật lên một số nội dung: Làm rõ thể chế, chính sách trong quản lý, khai thác và phát triển nguồn lực ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản từ thực tiễn.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo (Ảnh:BTC) |
Các tham luận cũng phân tích rõ đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả “nhân tài”.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ.
Các ý kiến làm rõ những yêu cầu nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.
Đồng thời, làm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát huy nguồn lực kinh tế trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, tập trung phân tích về nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực gắn với 6 nhiệm vụ 3 đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
D.Anh
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời
Sau 2 tháng triển khai chủ trương chuyển hướng chống dịch, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.