Trong số 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm: Tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 16 (Văn hóa).
Năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2754/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đây là hoạt động nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Tại Lào Cai và Hà Giang, thông qua các lớp tập huấn, cán bộ văn hóa xã, các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa đồng bào dân tộc Tày có cơ hội được tiếp cận, nắm bắt các kiến thức về công tác quản lý văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình ở cơ sở; đồng thời trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các học viên thu được rất nhiều kiến thức bổ ích trong việc nâng cao ý thức trao truyền – tiếp nhận về kĩ năng cực truyền đạt cho các thế hệ người Tày, đặc biệt là giới trẻ hiểu rằng: trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế với thay đổi hàng ngày do tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ mang lại, chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành các sản phẩm phục vụ và thu hút du khách tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, góp phần tạo nguồn thu bền vững phát triển kinh tế xã hội.
Thực hiện 2 tiêu chí số 6 và 16 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có chiều sâu.
Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với các nhiệm vụ của ngành, đơn vị của tỉnh, địa phương như: tổ chức các buổi nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng; tuyên truyền lưu động tại các trục đường, điểm chợ, thôn, bản, địa bàn đông dân cư; treo băng rôn; khẩu hiệu; biên tập các chương trình thông tin tổng hợp, trong đó nhiều chương trình có chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới.
Việc xây dựng các mô hình về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của từng vùng, miền, dân tộc phải phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình xây dựng NTM, phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm tại địa phương, thời gian triển khai Kế hoạch có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, cũng như hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.
Minh Yến