VietNamNet lược dịch lại bài cảm nhận của nhiếp ảnh gia nổi tiếng này về chuyến đi của ông đăng trên chuyên trang du lịch Adventure.com
Tôi chưa bao giờ có ý định chụp những chiếc ghế nhựa nhưng lại luôn nhạy cảm với những màu sắc hoặc hình dạng kích thích thị giác. Bất ngờ thay là trong rất nhiều bức hình ghi lại chuyến đi của tôi ở một số nước Đông Nam Á thì luôn có sự xuất hiện của một 'nhân vật', chính là những chiếc ghế nhựa. Chúng có ở khắp nơi.
Trên thực tế, khi mọi thứ đang diễn ra bạn thường không nhận thức rõ những sự vật hay sự việc xung quanh. Tâm trí chúng ta dường như đã lãng quên đi nhiều chi tiết nhưng chiếc máy ảnh thì không. Đó cũng là cách tôi nhận ra sự hiện diện quan trọng của những chiếc ghế nhựa trong cuộc sống của người dân các nước Đông Nam Á. Và tôi cũng bắt đầu chụp chúng nhiều hơn.
Điểm chung trong kiến trúc của các quốc gia này là đều mang ảnh hưởng từ thời kỳ Pháp thuộc. Ngay tại những công trình uy nghiêm như Hoàng thành Huế ở Việt Nam hay bên những quán gánh ven đường thì cũng không hề vắng bóng những chiếc ghế nhựa cao, thấp nhiều màu.
Việc bắt gặp những cô bán hàng rong bằng quang gánh sẽ hiếm hơn khi chính quyền địa phương tiến hành nhiều lệnh cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nhưng đây vẫn là một trong những nét đặc trưng thú vị và thu hút nhiều du khách. Hình ảnh quang gánh với cây sào dài cùng hai giỏ hàng chở 'cả thế giới' trên vai những người phụ nữ tần tảo khiến tôi không thể nào quên.
Từ đây, họ chuẩn bị mọi nguyên liệu từ bếp tới, xoong nồi và cả những chiếc ghế đẩu bằng nhựa vừa để ngồi vừa làm bàn, phục vụ cho các thực khách. Cả người bán lẫn người mua đều di chuyển nhịp nhàng, ăn ý như một điệu nhạc.
Vừa ngắm nhìn cuộc sống hối hả, nhộn nhịp diễn ra ngay trước mắt vừa thưởng thức một bữa ăn ngon ngay trên vỉa hè là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở đây. Đối với nhiều người, sạch sẽ và ngăn nắp là tiêu chuẩn bắt buộc trong các chuyến đi những sự ngẫu hứng cũng có giá trị riêng của nó.
Những chiếc ghế nhựa xuất hiện khắp Đông Nam Á như một lời nhắc nhở chúng ta rằng không phải lúc nào lịch sự và tiện nghi cũng phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống trên vỉa hè, đường phố đầy sôi động là 'không gian hoàn hảo' cho những chiếc ghế nhựa hiện diện và tồn tại qua năm tháng.
Bức tường của Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh, Campuchia như chia làm hai 'thế giới' hoàn toàn khác biệt. Bên trong, đó là không gian của những khu vườn được chăm sóc cẩn thận, là nơi ở cao quý và trang nghiêm của Hoàng gia với các cung điện nguy nga, tráng lệ.
Nhưng bên ngoài bức tường ngăn cách đó, cuộc sống được 'bình dân hóa' bằng những chiếc ghế nhựa được một người bán hàng rong xếp ra cho các nhà sư ngôi nghỉ chân.
Cũng vẫn là những chiếc ghế đó nhưng chúng lại đang ở Việt Nam trong một quán dán nilon, decal cho xe máy, loại phương tiện 'huyết mạch' trong giao thông Đông nam Á. Ghế để rải rác khắp nơi, trong ngoài cho cả thợ lẫn khách ngồi chờ.
Trên chiếc xe buýt đến Siem Reap ở Campuchia, tôi cũng phát hiện ra một chiếc ghế nhựa đỏ 'cô đơn' giữa hàng loạt bức tượng Phật bằng đá lớn. Dù chẳng có đệm êm hay điều chỉnh được độ cao nhưng chắc chắn chiếc ghế này đã và vẫn đang giúp ích cho người thợ điêu khắc để họ tạo ra những tác phẩm ấn tượng như vậy.
Nếu có thời gian lang thang đường phố Hà Nội về đêm, hẳn nhiều người sẽ nhận ra những vỉa hè được lấp đầy bởi những chiếc ghế nhựa ban sáng sẽ dần trở thành nhiều bãi đậu xe máy chật kín. Người dân đổ ra đường, chuyện trò trong những quán quen sau giờ làm. Ghế nhựa phục vụ cho mọi đối tượng kể cả công an hay những nhân viên soát vé trong chuyến tàu đêm.
Hình ảnh đáng nhớ nhất trong chuyến đi này của tôi là cảnh anh nhân viên văn phòng với bộ bàn ghế nhựa ngồi làm việc ngay trước cổng Đại Nội. Chẳng cần cầu kỳ, xa hoa, anh đã có cho mình một không gian 'năm sao' để giải quyết những phức tạp, bộn bề của cuộc sống.