Phần mềm mà Bộ Công an cảnh báo được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên “Bộ Công an”. Đây là thủ đoạn sử dụng phần mềm gián điệp đặc biệt nguy hiểm. Nếu người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Hiện tại có rất nhiều hình thức lừa đảo trên Internet đang rình rập đánh cắp thông tin cá nhân cũng như tài chính của người dùng thông qua các thiết bị công nghệ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Các đối tượng sử dụng công nghệ VOIP tạo lập số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật (chỉ khác ở đầu số như +0096, +884), để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án, chuyên án, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố. Đồng thời, yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong ngân hàng. Chúng làm giả lệnh bắt, khởi tố, giấy triệu tập của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.
Lấy lý do “nhằm bảo mật thông tin tài khoản, bảo vệ các nạn nhân bởi các đối tượng lừa đảo”, các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là Công an hiệu và mang tên “Bộ Công an”. Sau khi cài đặt App mang tên “Bộ Công an” nói trên, nạn nhân phải điền thêm các trường thông tin hiển thị trên App giả mạo này như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)... Những thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý và điện thoại di động của nạn nhân đã bị kiểm soát.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng lừa đảo quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn có thể điều khiển điện thoại di động của người dùng từ xa như: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập Wi-Fi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Bộ Công an khuyến cáo đến người dân về thủ đoạn nguy hiểm nói trên của các đối tượng; đây là hoạt động mạo danh “Bộ Công an” để nhằm mục đích lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng phần mềm điện thoại Android. Bộ Công an khẳng định, Bộ chưa xây dựng và triển khai hệ thống App trên ứng dụng điện thoại thông minh. Trang thông tin chính thức của Bộ Công an là Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an chỉ sử dụng 02 tên miền chính thức là: mps.gov.vn và bocongan.gov.vn, mọi tên miền khác nhân danh Bộ Công an đều là giả mạo.
Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt phần mềm, ứng dụng từ nguồn không chính thống. Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận.
Với sự bùng nổ của điện thoại thông minh trong những năm gần đây thì hiện tại có rất nhiều hình thức lừa đảo trên Internet đang rình rập đánh cắp thông tin cá nhân cũng như tài chính của người dùng thông qua các thiết bị này. Mỗi nền tảng trên smartphone như Android, iOS hay Windows Phone đều có những kho ứng dụng chính thức (an toàn) cũng như không chính thức (kém an toàn). Ngay cả khi bạn tải ở các kho ứng dụng chính thức thì nguy cơ tải phải một ứng dụng giả mạo cũng rất lớn, dạng ứng dụng này thường có tên giống, gần giống và biểu tượng tương tự như hàng thật để "dụ" người dùng cài đặt.
Thông thường, nếu bạn tải phải một ứng dụng giả mạo nào đó thì trường hợp nhẹ nhất là ứng dụng này chỉ gắn quảng cáo cho mục đích kiếm tiền. Nhưng vẫn sẽ có những trường hợp nguy hiểm hơn là gắn mã độc để theo dõi hay đánh cắp thông tin. Để không bị tình trạng này, người dùng chỉ nên cài đặt những phần mềm có nguồn gốc rõ ràng và tốt nhất là trên kho Google Play đối với Android hay Appstore đối với iPhone.
Đ.P
Cảnh giác với muôn vàn kiểu lừa đảo khi mua hàng online
Các hành vi lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi, khiến không ít người dùng sập bẫy khi mua hàng online, và việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp.