Nam thanh niên vào Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đêm 3/3.
Kết quả siêu âm Doppler cho thấy tinh hoàn phải lạc chỗ trong ống bẹn. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn tinh hoàn phải. Chỉ định mổ cấp cứu tháo xoắn được đưa ra, tránh nguy cơ hoại tử, cắt bỏ tinh hoàn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Các bác sĩ cho biết xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh, gây cản trở dòng máu đến tinh hoàn và mào tinh có thể gây hoại tử tinh hoàn. Đây là tối cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở người trẻ và cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây mất tinh hoàn ở nam giới.
PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, giải thích, xoắn tinh hoàn hay gặp ở độ tuổi 13-21. Bệnh lý thường bộc lộ lúc người bệnh đang ngủ hoặc sáng sớm. Bệnh nhân chợt tỉnh giấc vì cơn đau đột ngột.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, nam giới có bất kỳ biểu hiện đau tức tinh hoàn dữ dội, cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn. Cơn đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng. Ngoài ra, nếu thấy bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím; tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện; tinh hoàn xoay trục, nằm ngang... hoặc thấy kèm nôn, buồn nôn... cần đi khám nam khoa ngay.
"Đây là trường hợp cấp cứu, khi tinh hoàn bị xoắn trên 6 giờ có thể bị mất chức năng và phải cắt bỏ" - PGS Quang cho biết. Nếu can thiệp trước 6 giờ (từ khi có biểu hiện đau), 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Từ 6-12 giờ, khả năng cứu chỉ còn 50%. Trong khoảng 12-24 giờ, tỷ lệ này còn 20%, trên 24 giờ thường sẽ không cứu được.
Thực tế, các bác sĩ chuyên khoa nam học tại các bệnh viện lớn gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc phải cắt bỏ tinh hoàn do khi đến bệnh viện đã quá thời gian "vàng" cấp cứu, đặc biệt là ở độ tuổi đang phát triển hay ngại ngùng, sợ bố mẹ mắng nên không nói với gia đình, cố nhịn. Khi gia đình phát hiện, tình trạng bệnh nhân đã quá nặng.