Hố đen này được đặt tên là Gaia BH1. Nó nằm trong chòm sao Ophiuchus và chỉ cách Trái Đất 1.560 năm ánh sáng.
Kareem El-Badry, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts cho biết đây là phát hiện rõ ràng đầu tiên về ngôi sao giống như Mặt Trời tồn tại trong quỹ đạo xung quanh một hố đen trong thiên hà của chúng ta.
Theo Space, Gaia BH1 nằm trong hệ nhị phân có thành viên còn lại là một ngôi sao tương tự Mặt Trời. Điều đặc biệt là ngôi sao đó ở cách xa hố đen đồng hành của nó bằng đúng khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.
Nghiên cứu của các nhà thiên văn học trước đó cho biết thiên hà Milky Way của chúng ta chứa khoảng 100 triệu hố đen - thứ đáng sợ nhất trong vũ trụ có lực hấp dẫn mạnh đến mức không gì có thể thoát ra ngoài - có khối lượng lớn hơn Mặt Trời từ 5 đến 100 lần.
Tuy nhiên, để tìm ra hố đen là công việc không dễ dàng, bởi chúng là những vật thể khổng lồ "tàng hình" trong nền đen của vũ trụ. Thường chỉ có thể phát hiện ra thông qua tương tác của nó với môi trường vật chất xung quanh.
Để xác định hố đen, các nhà thiên văn học phải xem xét dấu hiệu của ngôi sao quay quanh một vật thể khổng lồ không thể nhìn thấy. Với trường hợp của Gaia BH1, các nhà thiên văn học đã sử dụng đài quan sát Keck ở Hawaii và kính viễn vọng Magellan Clay và MPG/ESO ở Chile để đo quang phổ ánh sáng của ngôi sao. Từ đó, nhóm nghiên cứu có thể phát hiện nó qua tác động của lực hấp dẫn của hố đen tới quang phổ ánh sáng của ngôi sao trên quỹ đạo.
Kết quả, nhóm nghiên cứu xác định Gaia BH1 lớn gấp 10 lần Mặt Trời. Ngôi sao đồng hành cùng hố đen này quay hết 1 vòng quỹ đạo sau 185 ngày.
Khối lượng của Gaia BH1 chỉ ra rằng ngôi sao chết và sinh ra nó phải rất lớn - ít nhất là 20 lần khối lượng Mặt Trời hoặc hơn.
Hố đen vũ trụ được ví như những nấm mồ vật chất, không gì có thể thoát ra khỏi chúng, kể cả ánh sáng. Những hố đen khổng lồ nguy hiểm theo 2 cách: lực hấp dẫn khủng khiếp của nó sẽ hút các vật thể vào hoặc bức xạ năng lượng cao sẽ thổi bay các vật thể.
Hải Nguyên