Bất chấp mọi nỗ lực của ngân hàng trong việc thường xuyên cảnh báo các hình thức lừa đảo, song các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi hình thức tinh vi khiến nhiều người dân vẫn vô tình sập bẫy.

Mới đây, VPBank phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của mình gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí vay vốn, mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.

Các đối tượng này đã sử dụng các thiết bị viễn thông, đa phương tiện như: lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu VPBank và/hoặc gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên VPBank để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước vay vốn, cấp thẻ tín dụng.

Nếu khách hàng đồng ý cung cấp các thông tin cá nhân cho kẻ lừa đảo, họ sẽ nhận được 1 tấm thẻ nhựa (có thể kèm quà tặng, như đồng hồ…) đến địa chỉ nhà riêng của khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định.

{keywords}
 

Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ số điện thoại đã liên lạc và đương nhiên khách hàng không thể được giải ngân khoản vay hay sử dụng chiếc thẻ giả nay.

Trước đó, SCB cũng phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của ngân hàng này rồi tiến hành gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.

Tương tự, Ngân hàng Techcombank vừa phát đi cảnh báo cho biết đây tiếp tục là hành vi mới, thông qua các quảng cáo trên Zalo và các mạng xã hội về việc cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn …

Hay như Eximbank cũng vừa gửi thông tin cảnh báo đến khách hàng của mình về thủ đoạn lừa đảo bằng cách làm giả giao diện website bán hàng, fanpage của các ngân hàng, sau đó  đăng quảng cáo tặng sản phẩm, dịch vụ trị có giá trị 10 triệu đồng, khách hàng chỉ mất phí giao hàng hoặc 10% giá trị món hàng là được sở hữu quà tặng.

Không chỉ ngân hàng trở thành đích ngắm của những kẻ lừa đảo mà giờ đây công ty giám định chất lượng vàng, đá quý cũng là “điểm hẹn lý lưởng” của những đối tượng này.

Mới đây, một khách hàng đã mang giấy kiểm định chất lượng cùng viên đá quý có trọng lượng 1,257 gr đến Công ty Giám Định PNJ (PNJL). Tại đây, nhân viên của công ty PNJL đã phát hiện đây là giấy tờ giám định hoàn toàn giả mạo từ chữ ký cho đến con dấu.

Ngoài ra, khi so sánh đối chiếu với bản gốc, PNJL nhận thấy giấy giám định giả mạo còn được bổ sung thêm thông tin định giá sản phẩm đá quý là 750.000 USD (tương đương khoảng 17,5 tỉ đồng).

Trong khi đó, đến thời điểm 9-2020, đại điện PNJL khẳng định phía công ty không hề định giá sản phẩm trên giấy giám định đá quý. Đồng thời, khi quét mã QR bằng ứng dụng di động thì giấy kiểm định giả mạo không hiển thị các thông tin liên quan.

Trong thời gian vừa qua, PNJ cũng đã phối hợp cơ quan chức năng xử lý các fanpage, web… giả mạo thương hiệu PNJ. Các thủ thuật thường được sử dụng: sử dụng logo thương hiệu PNJ hoặc sử dụng tên gần giống, đảo ngữ như PJN hay PJ đi kèm hình ảnh của PNJ nhằm cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Thậm chí, các đối tượng này còn sử dụng nhiều chiêu trò như thông báo trúng thưởng, mời chào bằng phần thưởng không có thật để khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền để nhận quà, chào giá bán sản phẩm thấp hơn thị trường để lừa khách hàng mua sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng,…

Những hành vi giả mạo và các thủ đoạn lừa đảo như trên đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của thị trường trang sức Việt Nam và tổn hại đến lợi ích của khách hàng.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)