Pascal Cotte, người đồng sáng lập một công ty số hóa mỹ thuật ở Paris, Pháp đã nghiên cứu kiệt tác của da Vinci suốt 10 năm qua, sử dụng một công nghệ có tên gọi là Phương pháp khuếch đại lớp (LAM). Theo đó, nhà nghiên cứu dùng một camera chiếu 13 bước sóng màu sắc khác nhau lên trên bức tranh, với mỗi bước sóng thâm nhập vào bề mặt tranh ở các độ sâu khác nhau.
Thiết bị chuyên dụng sau đó đo ánh sáng phản xạ từ các lớp này, tạo ra hơn 3 tỉ bit dữ liệu và hàng ngàn hình ảnh. Từ số dữ liệu khổng lồ này, ông Cotte tái dựng những gì tồn tại giữa các lớp sơn. Ông tuyên bố, kỹ thuật của mình có khả năng phát hiện các lớp ẩn giấu mà không phương pháp kiểm tra nào khác có thể làm được.
Sau khi áp dụng công nghệ LAM, ông Cotte cho biết, phía dưới lớp bề mặt của kiệt tác Mona Lisa ẩn giấu tới 3 bức vẽ khác nhau. Một trong số đó được cho là phác họa ban đầu về khuôn mặt của một người và một bức là chân dung kiểu Đức mẹ đồng trinh với một chiếc khăn trùm đầu lạ thường. Song, khám phá gây kinh ngạc nhất là chân dung ẩn giấu thứ ba.
Ông Cotte tin rằng, ông đã khám phá ra bức chân dung gốc của Lisa del Giocondo - vợ của một nhà buôn sống tại Florence (phải), ẩn giấu dưới lớp vẽ kiệt tác Mona Lisa (trái). Ảnh: Corbis |
Ông Cotte tin rằng, ông đã khám phá ra bức chân dung gốc của Lisa del Giocondo - vợ của nhà buôn sống tại Florence, được tin là nguyên mẫu cho nàng Mona Lisa trong kiệt tác của da Vinci. Nó cho thấy hình ảnh một phụ nữ khác đang ở tư thế nhìn nghiêng, với các đặc điểm thể chất khác biệt so với hình ảnh nàng Mona Lisa đang mỉm cười nhìn xuống đám đông chiêm ngưỡng tranh trưng bày ở bảo tàng Louvre (Pháp). Chẳng hạn như, chân dung ẩn giấu cho thấy một phụ nữ sở hữu đầu, mũi và các bàn tay to hơn cũng như đôi môi nhỏ hơn.
Báo Telegraph dẫn lời một nhà sử học nghệ thuật nhận định, điều này có nghĩa "đây là bức chân dung mà chồng người phụ nữ ấy không bao giờ nhận được. Thay vào đó, da Vinci đã tiếp tục vẽ kiệt tác nổi tiếng thế giới lên trên nó".
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục trước các tuyên bố gây sốc của ông Cotte. Một giáo sư chuyên ngành lịch sử mỹ thuật thuộc Đại học Oxford (Anh) cho rằng, các phát hiện mới có thể không phải là sự khởi đầu của bức vẽ hoàn toàn khác, mà đơn giản chỉ là "sự tiến hóa" của bức Mona Lisa cuối cùng, trong đó, da Vinci không ngừng chỉnh sửa bản vẽ cho tới khi ưng ý.
Trong khi đó, bảo tàng Louvre - nơi đang lưu giữ phiên bản gốc của kiệt tác Mona Lisa, từ chối bình luận về phát hiện mới, viện dẫn lí do rằng "nó không phải là một phần của nhóm nghiên cứu khoa học phân tích bức tranh".
Tuấn Anh(Theo BBC, Newsweek, Daily Mail)