Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian giai đoạn 2022-2025 là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành nâng cao hiệu quả của hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng, tiếp tục phát huy những thành tựu của các thế hệ đi trước, kiến tạo những thành tích mới tự hào cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Tại lễ phát động, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, đây là điểm mốc quan trọng để các văn nghệ sĩ bắt đầu công việc của mình, khởi động ý chí, khát vọng, lương tri và hành động trong việc sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, tầm vóc, tư tưởng lớn cho đất nước.
Kết thúc lễ phát động, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật Sống mãi với thời gian là một hoạt động có ý nghĩa, nhằm tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong thời kỳ mới, thiết thực triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Để có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, xứng tầm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, sáng tạo nên các tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy vai trò là mái nhà chung, khuyến khích, động viên, cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm có thể sống mãi với thời gian.
Theo thể lệ, các tác giả, tập thể tác giả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong nước và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đều có thể tham gia.
Tác giả dự thi theo các thể loại: Văn học (tiểu thuyết, trường ca); sân khấu (kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch); âm nhạc (giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch); múa (thơ múa, tổ khúc và kịch múa).
Các sáng tác dự thi hướng tới đề tài về cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thắng lợi và những thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; phản ánh hiện thực xã hội, người tốt, việc tốt; xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước tình hình và yêu cầu mới; ca ngợi tình yêu với quê hương, đất nước và con người Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới…
Đồng thời, tác giả có đề cương, bản thảo tác phẩm tham gia sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải sáng tác đúng thể loại, chủ đề, có tính phát hiện, tính sáng tạo; ngôn ngữ thể hiện mới, đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật. Đề cương, bản thảo tác phẩm được sáng tác từ năm 2022, thể hiện được những giá trị lớn của “chân - thiện - mỹ” và những giá trị nhân văn, có tính giáo dục, có chiều sâu của tư tưởng, tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc.
Sau 9 tháng triển khai, Ban tổ chức sẽ lựa chọn 30 đề cương bản thảo để chuyển thể dàn dựng thành các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao.
Theo kế hoạch, sau lễ phát động, các văn nghệ sĩ, tác giả xây dựng đề cương tham gia sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian từ tháng 12/2022 - 9/2023.