Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn hòa quyện vào dòng chảy văn học Việt Nam đa sắc tộc. Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà văn người dân tộc thiểu số là điều cần thiết để văn học Việt Nam tiếp tục có sự phát triển phong phú, đa dạng.
Nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm với những đóng góp, hy sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Chương trình đi thực tế, sáng tác văn học về đề tài dân tộc thiểu số cho các văn nghệ sĩ, năm 2023”.
Theo kế hoạch, chương trình đi thực tế sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2023. Dự kiến sẽ có hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa.
Chương trình đi thực tế nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chân - thiện - mỹ, đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng.
Đồng thời, chương trình nhằm khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài dân tộc miền núi, vùng biên giới, biển đảo. Bằng tác phẩm của mình, các văn nghệ sĩ phản ánh hiện thực cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo trong thời kỳ mới.
Trong khoảng hơn 10 ngày, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ biểu diễn, nhà nghiên cứu văn hoá, phê bình văn học… sẽ đi thực tế sáng tác ở một số địa bàn tại các tỉnh vùng biên giới, miền núi thuộc tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Tại mỗi điểm đến sẽ diễn ra giao lưu văn nghệ, trao đổi về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Nghệ sĩ chia sẻ công việc sáng tác và giới thiệu các tác phẩm của mình với chiến sĩ, đồng bào, tạo không khí gần gũi, hiểu biết. Các nghệ sĩ có thể lấy tư liệu theo đặc thù chuyên ngành của mình như: ghi chép, ghi hình, ghi âm.... và có thể sáng tác tại chỗ hoặc sáng tác sau chuyến đi thực tế.
Các văn nghệ sĩ hoàn thành và nộp tác phẩm về Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam và Vụ Văn hóa dân tộc để tổ chức hình thức trưng bày, báo cáo, tuyển chọn các tác phẩm đặc sắc. Từ đó sử dụng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông ở Trung ương và địa phương khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng đó, thông qua các hội chuyên ngành tiếp tục hỗ trợ những tác phẩm có triển vọng để nâng cao chất lượng nghệ thuật.