Sau khi bà nội rút tờ 500 nghìn đồng mừng tuổi sư thầy xong xuôi, bà lấy phong bao đỏ chói lì xì cháu nội 10.000 đồng với lý do rất đơn giản, bà nghèo, bà không có tiền.
Mấy hôm nay tôi bắt đầu thấy mọi người sôi sục bàn tán chuyện lì xì Tết Nguyên Đán sắp tới. Là một người con dâu, một người vợ, người mẹ, tôi cũng có những dự tính chi tiêu hợp lý cho riêng mình. Tuy nhiên, tôi muốn tâm sự chuyện ăn tết năm ngoái của mình ra đây để mọi người biết cách sống kỳ dị của mẹ chồng tôi - một câu chuyện mà tôi không biết mình có suy nghĩ thái quá về mẹ chồng hay không, mong các bạn đọc hãy cho ý kiến.
Tôi lấy chồng năm tôi 27 tuổi và đến nay cũng đã làm dâu nhà anh được 3 năm. 3 năm với 2 cái Tết ở nhà chồng nhưng chưa năm nào vợ chồng tôi không lo tết chu toàn cả.
Nhớ cái tết năm ngoái khi tôi mới sinh con trai được hơn 1 tuổi cũng là cái tết đầu tiên của con. Vợ chồng tôi quyết định biếu bố mẹ chồng 15 triệu để ông bà chi tiêu ngày Tết. rồi ngoài khoản tiền đưa biếu bố mẹ chồng tiêu Tết, năm nào sáng mùng 1 Tết, vợ chồng tôi cũng mừng tuổi bố chồng 1 triệu, mẹ chồng 1 triệu, đứa cháu (con của em chồng) 1 triệu. Thậm chí, tôi còn mừng tuổi vợ chồng hai bác và chú thím mỗi người 500.000 đồng để lấy may đầu xuân. Chính vì biết gia đình, họ hàng quý mến nên tôi cũng rất vui vẻ, tự hào vì vợ chồng mình làm được điều đó.
Ảnh minh họa |
Nhưng sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu như mẹ chồng tôi không có biểu hiện khác lạ. Mẹ chồng tôi là công chức về hưu. Sáng hôm đó có một vị sư thầy đi ngang qua nhà, sau vài lời hỏi han, mẹ chồng tôi liền rút ra tờ 500 nghìn mừng tuổi sư thầy. Nói đoạn xong bà lại rút tiếp tờ 10 nghìn đồng mừng tuổi cho con tôi rồi nhắc khéo: “cháu thành phố thì cháu nhiều tiền chứ bà nghèo, bà không có tiền”.
Nghe mẹ nói mà tôi quá buồn. Buồn vì mẹ không hiểu, đâu phải cứ kiếm được tiền là không cần tiền. Mẹ ở quê làm sao hiểu được công việc của các con trên thủ đô cũng vất vả, phải nai lưng ra kiếm tiền thế nào.
Với tôi chuyện mừng tuổi là để lấy may đầu năm. Tôi cũng không coi trọng chuyện tiền bạc quá nhiều song bà nội mừng tuổi như vậy là thiếu trôn trọng con tôi. Thú thực khi về quê ăn tết, tiền nong tôi cũng biếu hai ông bà đàng hoàng. Tôi cũng phải khéo léo từng tí một trong cư xử để không làm ảnh hưởng tình cảm mẹ con, không khiến chồng khó xử. Đối xử với các bác, các chú, các thím ai cũng tấm tắc gật đầu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì dù thế nào mẹ chồng cũng không nên mừng tuổi cháu như vậy bởi chí ít khi mẹ nói không có tiền tại sao mẹ lại mừng sư thầy tận 500 nghìn đồng.
Tôi đem mọi bực tức kể với chồng thì anh khó chịu, bực bội quát nạt tôi bảo tôi không biết điều. Anh nói thời đại nào rồi còn chi li vài đồng tiền mừng tuổi. Anh còn nói tôi mới về làm dâu được mấy năm mà còn thế này, thế nọ. Cứ để cho mẹ muốn làm gì thì làm, mẹ đi làm công đức thì kệ mẹ thôi... Nói thật lúc đó tôi ấm ức nhưng đành nghe lời chồng. Tôi nào nghĩ gì đâu, tôi chỉ nghĩ hay mẹ chồng không vừa lòng gì mình rồi chuyển dận lây sang con mà mình không biết thì tội con.
Từ hôm ấy đến nay, mỗi lần về quê tôi luôn thấy không khí trong nhà thật ngột ngạt. Tôi thấy giữa tôi và mẹ dường như có một khoảng cách mà không thể nào lấp nổi. Tôi không biết năm nay mẹ chồng có thay đổi suy nghĩ hay vẫn cho rằng vợ chồng tôi ở thành phố, có tiền thì không cần phải mừng tuổi cháu. Đúng là mỗi cây mỗi hoa nhà mỗi cảnh. Chỉ mong 10 năm mới Tết 1 lần cho đỡ lắm chuyện!
Độc giả Bích Trâm