Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng!
Kính thưa đồng chí Đại sứ, đồng chí Tùy viên Quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành tỉnh Xiêng Khoảng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào!
Kính thưa các đồng chí Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, ngành đoàn thể tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố!
Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan!
Thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí!
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào, liên quân Việt - Lào mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảnggiành thắng lợi. Chiến thắng này đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của Mỹ, giữ vững vùng giải phóng trọng yếu có ý nghĩa chiến lược, bảo đảm thế liên hoàn vững chắc cho vùng căn cứ địa của cách mạng Lào, phối hợp với các chiến trường ở miền Nam Việt Namvà chiến trường Campuchia.
Kính thưa các đồng chí!
Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là một địa bàn có giá trị chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế đối với nước Lào, là một hướng chiến lược trong kháng chiến của ba nước Đông Dương và có tính chất phối hợp với chiến trường chung rất quan trọng, nhất là đối với cách mạng Việt Nam. Nhận thấy tầm quan trọng của địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đối với nước Lào, nên Mỹ và lực lượng tay sai tìm mọi cách để chiếm lại khu vực này trong mùa mưa hằng năm. Giữa tháng 4 năm 1972, ngay sau khi liên quân Việt - Lào vừa kết thúc chiến dịch tiến công mùa khô, địch ra sức nống lấn nhằm đẩy lùi lực lượng của ta và Bạn, chiếm lại khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng để giành thế chủ động trên chiến trường.
Phán đoán đúng âm mưu và thủ đoạn của địch, ngày 1 tháng 4 năm 1971, Thường vụ Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng Cánh Đồng Chum. Do vậy, phải đẩy mạnh triển khai kế hoạch phòng thủ khu vực Cánh Đồng Chum bao gồm cả tuyến trung gian.Để chiến dịchgiành thắng lợi, Thường vụ Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Công tác hậu cần, tiếp tế có ý nghĩa quyết định vì ta phải tác chiến trong mùa mưa nên phải có kế hoạch thật cụ thể và đôn đốc ráo riết để bất luận trong tình huống nào cũng không để xảy ra bị động do khó khăn về hậu cần. Bên cạnh đó, phải tiến hành tốt công tác chính trị để động viên bộ đội vượt qua khó khăn, có quyết tâm chiến đấu cao, khắc phục những khó khăn tác động đến tư tưởng của bộ đội.
Quán triệt và thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnhnhanh chóng triển khai kế hoạch tác chiến và chỉ đạo Mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng phối hợp với lực lượng vũ trang của Bạn mở chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972. Bộ Tư lệnh Chiến dịch gồm: Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Vũ Lập; Chính ủy, đồng chí Lê Linh cùng với các đồng chí Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có 5 trung đoàn bộ binh và 10 tiểu đoàn binh chủng. Lực lượng vũ trang của Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực, 6 đại đội binh chủng và 4 đại đội địa phương.
Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1972. Trải qua 4 đợt chiến đấu, với 244 trận đánh lớn, nhỏ, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của mùa mưa nhưng Quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân và dân Lào đã kiên cường, dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đánh lui các đợt tiến công của địch vào khu vực phòng ngự; đồng thời chủ động phản kích và đưa lực lượng ra tuyến trung gian đánh tiêu hao địch, phá thế tiến công của chúng và cuối cùng đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn có tính chất chiến lược của Mỹ và tay sai; giữ vững địa bàn chiến lược trọng yếu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, bảo đảm thế liên hoàn vững chắc cho vùng căn cứ địa của cách mạng Lào, kịp thời thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường trong nước.
Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đã thể hiện quyết tâm, tài thao lược của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong việc giữ vững và làm chủ địa bàn chiến lược này. Thắng lợi đó làm chohọc thuyết Níchxơn ở Lào bị thất bại thêm một bước, góp phần thay đổi cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, thúc đẩy phong trào cách mạng ở mỗi nước tiếp tục giành những thắng lợi mới. Quá trình phối hợp chiến đấu cùng với quân và dân Lào giữ vững khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đã tiếp tục bồi đắp, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, củng cố niềm tin của hai đảng, hai nhà nước, hai dân tộc trong chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và tay sai; góp phần làm phong phú thêmmột bước về lý luận nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, thể hiện bước trưởng thành lớn về nhận thức tư tưởng trong tác chiến phòng ngự.
Kính thưa các đồng chí!
50 năm đã trôi qua, nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng chum - Xiêng Khoảng vẫn vẹn nguyên giá trị. Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”.Ban chỉ đạo Hội thảo rất mong các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, bằng phương pháp luận khoa học cùng với tư duy đổi mới, sáng tạo và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để tiếp tục luận giải, khẳng định và làm sâu sắc thêm một số nội dung chủ yếu sau.
Một là, phân tích làm rõ tình hình chiến trường ba nước Đông Dương, đặc biệt là chiến trường Lào và Việt Nam; âm mưu thủ đoạn của Mỹ - ngụy Lào khi thực hiện học thuyết Níchxơn ở Lào; vị trí chiến lược của khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đối với cách mạng Lào và với cục diện chiến trường chung toàn Đông Dương.
Hai là, khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo điều hành chiến dịch của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng. Phân tích làm rõ tính chủ động trong xây dựng thế trận phòng ngự, quá trình chuẩn bị chiến trường, công tác tổ chức sử dụng lực lượng và các mặt bảo đảm chiến dịch, đặc biệt là bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và quân y.
Ba là, điểm lại quá trình diễn ra chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, từ giai đoạn chuẩn bị, thực hành và kết thúc chiến dịch; qua đó phân tích, làm rõ vai trò của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, chỉ huy các trung đoàn, tiểu đoàn; quá trình chiến đấu ngoan cường của Quân tình nguyện Việt Nam trong các trận chiến đấu, các đợt hoạt động; việc vận dụng các hình thức chiến thuật để làm nổi bật bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam.
Bốn là, khẳng định nhân tố có vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch đó là tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 là biểu tượng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào. Điều này thể hiện rõ trong quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch, sự phối hợp hiệp đồng giữa Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào đi từ sự thống nhất trong chủ trương mở chiến dịch, các giai đoạn chiến đấu, các hướng mũi tiến công để giành thắng lợi trước một kẻ thù có sức mạnh vượt trội về quân số và vũ khí trang bị.
Năm là, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Trên cơ sở đó khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam; về tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam; về phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế… Những bài học từ chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ và nhận định tình hình xu thế quốc tế trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa nhằm giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Với ý nghĩa đó, Ban Chỉ đạo tin tưởng rằng, Hội thảo khoa học: “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm” sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của chiến dịch; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái phủ nhận giá trị lịch sử hoặc hạ thấp ý nghĩa của Chiến dịchphòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, để những giá trị lịch sử mãi mãi trường tồn cùng sự phát triển của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Kính chúc các đại biểu cùng toàn thể các đồng chí dồi dào sức khỏe và hạnh phúc!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam