Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên,
Thưa toàn thể các đồng chí và các quý vị đại biểu!
Với vai trò cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại 3 kỳ Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên trước đây cũng như tại Hội nghị lần thứ tư này, Ngành Ngân hàng luôn khẳng định tinh thần trách nhiệm cao đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân các tỉnh Tây nguyên trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa IX về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020.
Tinh thần trách nhiệm và sự đồng hành của Ngành Ngân hàng được thể hiện qua những kết quả cụ thể như:
Để chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận với vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, từ năm 2011 đến nay, mặc dù chủ trương kiểm soát chặt chẽ và hạn chế mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD trên phạm vi cả nước để tập trung cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh TCTD, 8 phòng giao dịch và 7 QTDND trên địa bàn Tây Nguyên. Với mạng lưới hoạt động rộng khắp khu vực, các TCTD đã triển khai đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục trong giao dịch ngân hàng, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù... phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân khu vực Tây Nguyên, kể cả vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Tính đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt khoảng 120,6 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 222,1 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1%. (bổ sung tốc độ tăng trưởng huy động và cho vay 2016). Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 12,3%.
Tính chung từ năm 2011 đến nay, mặc dù đạt mức tăng trưởng khá, nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 54% tổng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn (số còn thiếu được các TCTD điều chuyển từ nơi khác đến). Dư nợ tín dụng luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Chất lượng tín dụng được đảm bảo. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng.
Các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay tái canh cây cà phê; chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do hạn hán, lũ lụt kéo dài... được các tổ chức tín dụng chủ động bố trí vốn, tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể đến từng đối tượng khách hàng thụ hưởng để khuyến khích doanh nghiệp, người dân trong Vùng vượt qua khó khăn, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó:
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai trên địa bàn Tây Nguyên từ năm 2014 đến nay đã giúp hơn 3.800 khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay mới gần 48.000 tỷ đồng; gần 260 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ với dư nợ hơn 1.900 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đến cuối năm 2016 đạt trên 45.000 tỷ đồng, chiếm 92,4% dư nợ cho vay ngành cà phê toàn quốc. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cam kết cho vay tái canh cà phê hơn 1 ngàn tỷ đồng (dư nợ đạt 738,2 tỷ đồng) cho 5.716 khách hàng với diện tích tái canh hơn 10 ngàn ha.
Các cam kết tài trợ vốn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 và thứ 3 được các tổ chức tín dụng bố trí đủ nguồn vốn và đẩy mạnh giải ngân. Đến nay đã có gần 40 dự án được giải ngân với số vốn giải ngân đạt gần 14 ngàn tỷ đồng cam kết, chiếm tỷ trọng 60% số vốn cam kết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: cà phê, cao su, giao thông, thủy điện… Trong đó các dự án tài trợ vốn ngắn hạn đã được khách hàng trả nợ đúng hạn; 06 dự án trung, dài hạn đã được giải ngân 100%, khách hàng luôn trả nợ đúng hạn nên không phát sinh nợ quá hạn.
Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đến cuối năm 2016 đạt 13,7 ngàn tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, đã có hơn 856 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách, trong đó có hơn 104 ngàn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, một số dự án ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa nhiều do vướng mắc về quy hoạch phát triển của địa phương (dự án trồng cây mắc ca, tái canh cây cà phê), khách hàng gặp khó khăn về tài chính (dự án thủy điện Eatuk) hoặc khách hàng chưa có nhu cầu vay vốn...
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Có thể thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Tây Nguyên vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng đến nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, như:
(i) Vấn đề quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh của vùng còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển các sản phầm tín dụng ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển của vùng.
(ii) Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có vấn đề tái canh cây cà phê là cây trồng chủ lực của vùng còn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn nói chung và chương trình tái canh cây cà phê nói riêng (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã dành nguồn vốn 12.000 tỷ đồng để cho vay, nhưng mới giải ngân được hơn 700 tỷ đồng).
(iii) Tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, làm chương trình cho vay theo chuỗi, cho vay ứng dụng công nghệ cao chưa có sức lan tỏa lớn.
(iv) Sản xuất công nghiệp chậm phát triển, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé nên khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh kém, năng lực tài chính hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hoặc không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
(v) Hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu, mới chỉ tập trung tại một số đô thị trung tâm, chưa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa làm ảnh hưởng đến khả năng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh trong vùng.
Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, ngành Ngân hàng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo hơn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sự phối hợp quyết liệt, chủ động hơn từ cấp ủy chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tổ chức - chính trị xã hội trong việc giải quyết các khó khăn, hạn chế nêu trên.
Với quan điểm nhất quán luôn đồng hành cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong việc đưa Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược của Vùng, Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên và chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tổ chức triển khai có kết quả các chủ trương, chính sách này, góp phần đưa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với khu vực Tây Nguyên vào cuộc sống. Một số nội dung trọng tâm cụ thể NHNN chỉ đạo TCTD trong thời gian tới như sau:
(1) Đẩy mạnh huy động tại chỗ và điều chuyển vốn đến địa bàn Tây Nguyên, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực.
(2) Bám sát quy hoạch phát triển của vùng và từng địa phương để chủ động tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của vùng đã được quy hoạch và khuyến khích phát triển.
Chú trọng phát triển các sản phẩm, chương trình tín dụng phù hợp, đặc biệt là chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do hạn hán.
Quan tâm cho vay các dự án phòng chống, khắc phục hạn hán như cho vay đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cà phê và các cây công nghiệp khác; đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho vay đầu tư tưới tiết kiệm được hưởng chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp...
(3) Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là cho vay nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trong khu vực.
(4) Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó chú trọng các chương trình có nhiều đối tượng thụ hưởng tại khu vực Tây Nguyên như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường...
Để cụ thể hóa một phần quyết tâm và tinh thần trách nhiệm đồng hành cùng Tây Nguyên của ngành Ngân hàng, ngay tại Hội nghị này, các TCTD đã cam kết tài trợ hơn 29 ngàn tỷ đồng cho 36 dự án phát triển KT-XH của vùng, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thủy điện, cung cấp nước sạch.... NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD giải ngân đúng cam kết. Định kỳ, chỉ đạo các TCTD đánh giá việc triển khai thực hiện để tổng hợp các khó khăn vướng mắc cần đề cuất các cấp, các ngành cùng tháo gỡ.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Cùng với nhiệm vụ chính trị đảm bảo vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, ngành Ngân hàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Từ năm 2013 đến nay, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ gần 650 tỷ đồng cho các đối tượng còn nhiều khó khăn trên khắp địa bàn Tây Nguyên, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng giúp chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong thời gian tới, NHNN cam kết tiếp tục chỉ đạo các TCTD có những hoạt động an sinh xã hội cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa dành cho các đối tượng và địa bàn còn nhiều khó khăn trong khu vực.
Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí cùng toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Chúc cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo Cổng TTĐT NHNN