Kính thưa Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Quán triệt chỉ đạo của NHNN, trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã nỗ lực đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn để góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Đến nay, mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh, gồm: 18 Chi nhánh NHTM, 01 NHCSXH, 01 NH Hợp tác xã, 32 Quỹ tín dụng nhân dân và 67 phòng giao dịch.
Tính đến ngày 30/6/2018, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 44.814 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cuối năm 2017, thấp hơn mức tăng 8,03% của khu vực 14 tỉnh Duyên hải Miền Trung1 và mức tăng 8,57% của toàn quốc. Dư nợ đạt 40.584 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cuối năm 2017, thấp hơn mức tăng 8,36% của khu vực và mức tăng 7,88% của toàn quốc. Nợ xấu là 661 tỷ đồng, chiếm 1,58% tổng dư nợ, cao hơn mức 1,36% cuối năm 2017 do phát sinh gần 100 tỷ đồng nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 và khoảng 50 tỷ đồng nợ xấu cho vay lĩnh vực khách sạn, du lịch.
So với 14 tỉnh Duyên hải Miền Trung, quy mô nguồn vốn và dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lần lượt đứng vị trí thứ 8/14và 10/14, chiếm tỷ trọng 5,98% và 4,71% trong tổng nguồn vốn và dư nợ tín dụng của cả khu vực. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn tỷ lệ 1,34% của cả khu vực.
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, tỷ trọng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 14,82% tổng dư nợ, dư nợ lĩnh vực công nghiệp là 6,9%; dư nợ lĩnh vực xây dựng là 8,93%; dư nợ thương mại là 12,93%; dư nợ lĩnh vực dịch vụ là 56,41%.
Kết quả cho vay một số chương trình, chính sách trọng điểm:
1. Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn: Dư nợ cho vay theo NĐ 55 đạt 19.840 tỷ đồng, chiếm 48,91% tổng dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.226,2 tỷ đồng với 5 khách hàng có dư nợ, trong đó dư nợ cơ cấu lại là 219,85 tỷ đồng.
2. Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động chỉ đạo NHNN chi nhánh và các TCTD trên địa bàn 4 tỉnh Miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Trong đó:
- Các TCTD tại 4 tỉnh Miền Trung đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.996 khách hàng với số tiền 223,7 tỷ đồng (448 khách hàng với số tiền 87,86 tỷ đồng trên địa bàn Hà Tĩnh); miễn, giảm lãi 2,86 tỷ đồng cho 570 khách hàng (1,06 tỷ đồng cho 319 khách hàng tỉnh Hà Tĩnh); cho vay mới 5.624 khách hàng với số tiền 627,7 tỷ đồng (1.841 khách hàng với số tiền 134,75 tỷ đồng trên địa bàn Hà Tĩnh). Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh nợ cho 34 khách hàng với số tiền 709 triệu đồng.
- Về cho vay thu mua, tạm trữ hải sản: Các TCTD đã cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và khách hàng vay đã trả hết nợ. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, các ngân hàng không triển khai được chương trình này do UBND tỉnh không xác nhận hải sản thu mua tại vùng biển an toàn.
- Về cho vay hỗ trợ đối với người dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề theo Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017: Các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đã cơ cấu lại nợ cho 10 khách hàng với số tiền 30,4 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện được chính sách cho vay mới khôi phục sản xuất (hạn mức cho vay tối đa 01 khách hàng là 100 triệu đồng) và khoanh nợ do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt kinh phí cấp bù lãi suất từ nguồn bồi thường của Formosa cho các TCTD. NHNN đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức kinh phí hỗ trợ lãi suất cho 2 chính sách tín dụng theo Quyết định 12/QĐ-TTg tại 4 tỉnh Miền Trung là 150 tỷ đồng.
3. Tình hình cho vay theo Nghị định 67: UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đóng mới 21 tàu, nhưng các NHTM mới tiếp nhận được 16 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn và đã ký hợp đồng cho vay 11/16 tàu với tổng số tiền cho vay gần 163 tỷ đồng, đồng thời từ chối cho vay 5 tàu do không đủ điều kiện (VCB Hà Tĩnh). Đến nay, dư nợ còn 153,89 tỷ đồng, trong đó nợ xấu lên đến 94,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,3% với 7/11 chủ tàu phát sinh nợ xấu (chủ yếu tại BIDV Hà Tĩnh). Nguyên nhân là do: (i) Một số chủ tàu hoạt động không có hiệu quả, có nguyện vọng chuyển đổi nghề nhưng chưa thực hiện được do chưa có quy định; (ii) Một số chủ tàu thiếu thiện chí trả nợ, khai báo doanh thu không thành thật; (iii) Sự phối hợp của các sở, ngành trên địa bàn trong việc đôn đốc các chủ tàu trả nợ vay ngân hàng đúng hạn còn mờ nhạt, chưa tác động nhiều đến việc trả nợ của ngư dân...
4. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: trong 6 tháng đầu năm 2018, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã tổ chức 06 hội nghị kết nối/đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp với dư nợ đến ngày 30/6/2018 là 7.054 tỷ đồng. Các TCTD đã áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các hợp đồng tín dụng cũ... cho 69 doanh nghiệp và 19 đối tượng khác.
5. Tín dụng chính sách: Đến 30/6/2018, dư nợ cho vay 13 chương trình tại NHCSXH đạt 4.313,9 tỷ đồng, tăng 5,45% so với cuối năm 2017, thấp hơn mức 5,81% của toàn quốc, chiếm tỷ lệ 2,37% toàn quốc và 8,63% khu vực.
Cùng với hoạt động tín dụng, các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh cũng rất tích cực triển khai các giải pháp đơn giản hóa thủ tục giao dịch với khách hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều sản phẩm mới nhằm giảm chi phí giao dịch, rút ngắn thời gian thẩm định và cho vay, tăng tính minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tổ chức giám sát chất lượng dịch vụ, thiết lập các kênh thông tin (đường dây nóng, email, hộp thư góp ý,...) và hoàn thiện cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và ngân hàng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng trên địa bàn cũng có một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc như:
(i) Tăng trưởng dư nợ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Nợ xấu có xu hướng tăng so với cuối năm 2017.
(ii) Mặc dù UBND đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho doanh nghiệp và người dân theo hướng dẫn tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài Nguyên Môi trường nhưng tiến độ triển khai còn chậm, gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Để hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Ngân hàng mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc hơn của đồng chí Bí thư cũng như các đồng chí Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đối với hoạt động của ngân hàng trên địa bàn. Một số kiến nghị, đề xuất cụ thể:
(1). Mặc dù đã đạt được bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian gần đây, nhưng Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đạt chưa cao, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa... làm hạn chế tốc độ và chất lượng tăng trưởng của tỉnh, cũng như quy mô, hiệu quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Vì vậy, Chính phủ, các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương cần nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tồn tại hạn chế đang cản trở quá trình phát triển của tỉnh nói chung và hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói riêng.
(2). Đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh:
- Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai có hiệu quả công tác: kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; cơ cấu lại TCTD, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; đôn đốc các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 trả nợ vay ngân hàng và có biện pháp thuyết phục, xử lý các chủ tàu cố tình không trả nợ ngân hàng.
- Phối hợp với Bộ, ngành liên quan có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh (du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao...) và cải thiện năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của doanh nghiệp để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
- Sớm ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để các TCTD mạnh dạn đầu tư cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho doanh nghiệp và người dân theo hướng dẫn tại Thông tư 33 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
(3) Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: (i) Sớm bổ sung quy định về việc chuyển đổi nghề khai thác cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67; (ii) Khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính trình TTCP phê duyệt kinh phí hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 12/QĐ-TTg tại 4 tỉnh Miền Trung.
Về phía ngành Ngân hàng, NHNN cam kết tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ; phát triển mạng lưới hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh.
Thưa các đồng chí
Cùng với nhiệm vụ chính trị được giao, ngành Ngân hàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2013- 2018, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ASXH tại Hà Tĩnh với tổng số tiền hỗ trợ trên 136 tỷ đồng tập trung vào 02 lĩnh vực chính là giáo dục và xây dựng nhà cho hộ nghèo. Trong thời gian tới, NHNN cam kết tiếp tục chỉ đạo các TCTD có những hoạt động ASXH cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa dành cho các đối tượng và địa bàn còn nhiều khó khăn trong tỉnh./.
*1 Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung gồm 14 tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên.