Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, các nghệ sĩ, các vị đại biểu,
Thưa các bạn học sinh, sinh viên thân mến,
Trước hết, tôi xin nhiệt thành chúc mừng các thế hệ thầy cô giáo, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên của Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Xin trân trọng ghi nhận những thành tích, đóng góp quan trọng và rất nhiều ý nghĩa của Học viện đối với sự nghiệp phát triển âm nhạc, phát triển văn hóa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi không hiểu biết về âm nhạc nên cảm thấy rất “vất vả” khi được chỉ định phát biểu trước khán phòng như thế này.
Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó là nhà soạn nhạc Opera nổi tiếng của Italy Rossini đã nói: Âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc và nghe nó bằng trái tim thì ai cũng có thể hiểu được. Nên tôi xin có mấy ý kiến từ tấm lòng.
Chúng ta rất tự hào về Đảng, về Bác đã có một tầm nhìn chiến lược và rất phù hợp với truyền thống anh hùng và rất đỗi nhân văn của dân tộc. Ngay từ năm 1946, chính quyền cách mạng non trẻ đã có quyết định thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam.
Do phải bước vào cuộc kháng chiến nên mãi 10 năm sau khóa học đầu tiên mới khai giảng. Kể từ đó đến nay Trường Âm nhạc Việt Nam, bây giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có những bước phát triển, cả về lượng, về chất. Trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc không chỉ là hàng đầu của Việt mà rất có uy tín trong khu vực. Đây là điều mà không một viện nghiên cứu nào, không một trường ĐH nào của Việt Nam khác có thể làm được. Học viện thực sự là cái nôi, mà từ đây rất nhiều nhà giáo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà phê bình và rất nhiều thế hệ đã trưởng thành, đã có những cống hiến cho nền âm nhạc, mà tên tuổi và sự nghiệp cũng như những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ đất nước còn mãi với thời gian. Học viện của chúng ta cũng là một điểm sáng trong đào tạo tài năng, đào tạo chất lượng cao của nền giáo dục nước nhà.
Mọi người Việt Nam khi biết thì đều thấy rằng những tìm tòi sáng tạo của Học viện trong tiếp thu, trong truyền thụ và đưa đến công chúng những tinh hoa của âm nhạc thế giới đồng thời làm giàu thêm, làm đậm bản sắc thêm âm nhạc Việt Nam là hết sức điển hình, là thực sự vô cùng quý báu.
Những nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, vượt lên chính mình của lớp lớp thế hệ các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên của nhà trường trong thời kỳ chiến tranh, trong bao cấp, trong đổi mới, ngày hôm qua, ngày hôm nay để vươn lên đỉnh cao, để hoàn thiện với sự lạc quan, tình yêu nghệ thuật là hết sức đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
60 năm thực ra đã là 70 năm truyền thống là rất tự hào nhưng vinh dự và tự hào luôn gắn với trách nhiệm của Học viện đối với nền âm nhạc đất nước, đối với sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập rất sâu rộng ngày hôm nay.
Học viện mang tên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nên sứ mệnh của Học viện đương nhiên là hàng đầu nhưng hơn thế Học viện phải vươn lên ở tầm châu lục và quốc tế.
Học viện cần phải thực sự là nơi các tài năng được nâng niu và được tạo điều kiện tốt nhất để bừng nở; phải là nơi mà những giá trị nghệ thuật, những giá trị văn hóa phải được rất mực trân trọng và tạo điều kiện để tỏa sáng; phải là mái nhà, là mái trường mà ở đó tình yêu thương con người, tình yêu nghệ thuật, tình yêu cuộc đời phải được mọi người đều mơ ước được sống, được làm việc, được biết đến, được đến một lần.
Tôi đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với lãnh đạo Bộ và đề nghị rằng Bộ và trường cần sớm có phương án để nhà trường thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu rất đặc biệt với những cơ chế tài chính, tổ chức nhân sự thuận lợi nhất để nhà trường có thể phát huy đầy đủ và tốt nhất những giá trị của đội ngũ hết sức đáng quý của nhà trường
Khi chúng ta nói về âm nhạc Việt Nam những người như chúng tôi thường nhớ ngay đến hình ảnh Bác Hồ bắt nhịp “Bài ca kết đoàn”. Khi chúng ta nói đến giáo dục Việt Nam, chúng ta nhớ ngay lá thư Bác Hồ gửi cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Bác Hồ có viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có tiến tới đài vinh quang”. Tôi luôn tự nhắc mình tứ “tiến tới đài vinh quang” phải chăng khi viết điều đó Bác Hồ đã thấy, đã mong muốn chúng ta, là dân tộc này không chỉ mở cửa để đón thế giới để hòa nhập với thế giới mà chủ động bước ra thế giới.
Tôi rất mong Học viện không chờ đợi, không thụ động mà hãy thực sự chủ động thực hiện đổi mới. Để sao cho Học viện thực sự là nơi chúng ta tiếp tục và ngày càng tự hào, không chỉ về giáo dục Việt Nam, âm nhạc Việt Nam mà về nền văn hiến Việt Nam. Để sao cho âm nhạc của Việt Nam, văn hóa của Việt Nam tỏa sáng rực rỡ trong dòng chảy chung của văn minh nhân loại.
Tôi xin kính chúc các nhạc sĩ, các nghệ sĩ và các thầy cô giáo, các em học sinh sức khỏe hạnh phúc.
Chúc Học viện của chúng ta sẽ có những bước phát triển mới để 5 năm sau, 10 năm sau, 60 năm sau, 70 năm sau tại những lễ kỷ niệm này thì chúng ta thấy tầm vóc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, của đất nước Việt Nam đáng tự hào và tự hào hơn thế này nhiều..
Xin trân trọng cảm ơn./.
Theo VGP