Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Diễn đàn hợp tác (ASEM) về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” tại TP. Huế. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác (ASEM) về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Xin chào tất cả các quý vị đại biểu và các bạn

Tôi thấy rất vinh dự được là một trong những người phát biểu đầu tiên ở diễn đàn rất quan trọng này.

Trước hết, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các vị đại biểu, các chuyên gia đến từ các nước thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế có mặt ở đây ngày hôm nay.

Dù cách nói rất khác nhau, nhưng ở tất cả các nước, các dân tộc đều coi sự học, đều coi giáo dục và đào tạo là quan trọng, là rất quan trọng, và là quyết định cho tương lai của dân tộc, của đất nước mình.

Ở Việt Nam, người Việt Nam nào cũng biết câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Và chúng ta tất cả đều biết giáo dục là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và điều đáng nói là trong 16 mục tiêu còn lại, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp chúng ta đều thấy có vai trò của giáo dục.

Và đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay thì giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, có trình độ, có công nghệ càng có tính quyết định.

Gần đây mọi người nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cuộc cách mạng này sẽ dẫn tới nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất, nhiều nhân công sẽ phải thay đổi, sẽ buộc phải đào thải, sẽ được thay thế. Và cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước sẽ có những ngành nghề mới, cách làm mới, và có nguồn nhân lực mới sẽ ra đời, sẽ phát triển.

Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó thì sẽ tận dụng được lợi thế. Ngược lại thì sẽ ở lại phía sau. Và do vậy, đổi mới giáo dục đã luôn quan trọng, bây giờ lại càng quan trọng. Không chỉ với các nước đang phát triển như Việt Nam, mà chúng tôi hiểu rằng ngay cả ở những nước phát triển nhất, ở những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thì sự đổi mới này cũng rất quan trọng.

Và chúng ta cũng đều biết rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với các cuộc cách mạng trước đây. Và vì thế đổi mới giáo dục, đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ quan trọng mà rất bức thiết.

Giáo dục và đào tạo đương nhiên sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình. Đấy là khai mở trí tuệ. Đấy là bồi dưỡng nhân văn. Để phát triển con người toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Để mỗi người, mọi người (đặc biệt là những người nằm trong nhóm yếu thế) đều bình đẳng về cơ hội, được tiếp cận, được học tập suốt đời. Học để biết, để làm, để tồn tại, để chung sống.

Và đặc biệt, giáo dục, đào tạo, hơn lúc nào hết, cần khơi dậy niềm hứng khởi để học sinh, sinh viên, và kể cả các thầy cô giáo, cùng tất cả mọi người đều đam mê học hỏi, tìm tòi cuộc sống, thế giới quanh mình. Đam mê để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới, để lập thân, lập nghiệp, để cống hiến…

Và không chỉ là kiến thức khoa học, không chỉ là công nghệ. Trong một thế giới đầy biến động hôm nay với những thách thức ngày càng gay gắt như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia;biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới, thì thế giới ngày càng gắn kết và tùy thuộc vào nhau. Và vì vậy đòi hỏi một thế hệ công dân toàn cầu không chỉ có trình độ mà phải có ý thức trách nhiệm. Không chỉ có ý thức trách nhiệm với cộng đồng mình, dân tộc mình, đất nước mình mà có ý thức trách nhiệm giải quyết những vấn đề toàn cầu, ý thức trách nhiệm đối với tương lai của nền văn minh nhân loại, với tương lai của trái đất.

Thưa quý vị và các bạn

Ở Việt Nam, khi nói về sự uyên bác, khi nói về sự biết rộng, học nhiều thì người Việt Nam thường hay có câu cửa miệng “Đông - Tây, Kim - Cổ”. Trong tiềm thức của mọi người, qua đó có thể thấy đều khắc ghi sự giao lưu và có hàm ý dịch chuyển giữa châu Á và châu Âu, giữa Phương Đông và phương Tây. Và sự giao lưu, dịch chuyển ấy không chỉ là văn hóa, bao gồm cả minh triết phương Đông, triết học phương Tây, theo cách nói của Francois Julien. Là kiến trúc, là ngôn ngữ, là âm nhạc, ẩm thực kể cả thời trang... mà còn cả trong khoa học, công nghệ.

Không ít người cũng rất ngạc nhiên khi thấy rằng rất nhiều thứ mà thường nghĩ rằng từ châu Âu, từ phương Tây tới châu Á, tới phương Đông, tới Việt Nam. Ví dụ như giấy viết, thậm chí là mì ống của Italy nhưng rất ngạc nhiên là những thứ đó, kể cả thuốc nổ, ban đầu cũng xuất xứ từ châu Á qua châu Âu và bây giờ vòng lại châu Á.

Đã có rất nhiều nghiên cứu và phân tích về sự dịch chuyển trung tâm phát triển từ Đông sang Tây trong lịch sử từ nhiều nghìn năm hay ngắn hơn trong lịch sử kể từ khi có cuộc cách mạng hơi nước bắt đầu. Và bây giờ cũng có ý kiến đưa ra rằng dự báo tới đây sự dịch chuyển sẽ ngược lại từ Tây sang Đông.

Cá nhân tôi không thích cách nói từ Đông sang Tây và ngược lại từ Tây sang Đông mà tôi muốn nhìn trái đất là hình cầu và vốn có quay quanh nó từ Tây sang Đông. Và vì vậy thì mọi sự dịch chuyển đều có ý nghĩa tuần hoàn.

Nhìn lại chặng đường hai thập kỷ phát triển vừa qua, chúng ta rất tự hào ASEM đóng một vai trò rất quan trọng trong kết nối các nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân của hai châu lục vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng.

ASEM cũng đã góp phần tích cực thúc đẩy giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở hai châu lục Á - Âu. Nổi bật là việc ASEM tổ chức định kỳ các cuộc gặp thường niên của các bộ trưởng giáo dục, các bộ trưởng về lao động, đã lập các nhóm chuyên ngành trong ASEM về đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực.

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sáng kiến, rất nhiều dự án về phát triển nguồn nhân lực được phát động, được khởi nguồn từ nhiều các quốc gia thành viên như các dự án về Quỹ Á – Âu, các sáng kiến về đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, về năng lực sáng tạo và khởi nghiệp… Tất cả những sáng kiến và dự án này đã đem lại động lực, sắc màu rất tươi mới trong quan hệ hợp tác trong giáo dục và đào tạo.

Những nỗ lực ấy cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, phải được nhân rộng hơn để đáp ứng yêu cầu của tình hình khi cuộc cách mạng lần thứ tư đang diễn ra, khi thế giới ngày càng nhỏ hơn, phẳng hơn với những thời cơ, thách thức đan xen gay gắt hơn.

Đặc biệt tại Hội nghị cấp cao lần thứ 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thúc đẩy giáo dục, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là cho giới trẻ để khởi nghiệp và để có việc làm ổn định.

Cam kết rất chiến lược này không chỉ đảm bảo cho tương lai hợp tác của ASEM; không chỉ để các thành viên nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn là đóng góp quan trọng của ASEM cùng cộng đồng quốc tế cùng chung tay thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.

Đây là lúc, là thời điểm mà chúng ta cần phải bằng hành động để thực hiện cam kết đó và Hội nghị này là một hành động cụ thể của chúng ta.

Tôi mong rằng các diễn giả, các đại biểu sẽ thảo luận và đưa ra những nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về giáo dục và đào tạo, về đổi mới giáo dục và đào tạo, để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với các nhóm yếu thế.

Tôi cũng mong rằng tại Hội nghị này nhiều kinh nghiệm về đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích; nhiều sáng kiến khuyến nghị sẽ được đưa ra. Đặc biệt là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và các đối tác. Tăng cường hợp tác công - tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trước hết và đặc biệt là công nghệ trong giáo dục đào tạo, và trong xây dựng xã hội học tập, cụ thể là trong đề xuất “Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21”.

Kết quả và sự thành công của Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 sắp tới ở Seoul (Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels (Bỉ) vào năm sau.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chúc hợp tác ASEM ngày càng phát triển vì hòa bình, vì hợp tác, vì thịnh vượng của hai châu lục và toàn thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo VGP