Chiều ngày 22/10 đã diễn ra hội nghị chuyển đổi số ngành  giao thông vận tải (GTVT). Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT tại sự kiện này.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham dự hội nghị về chuyển đổi số tại Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Đức Huy

Kính thưa đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể!

Thưa các đồng chí và các bạn!

Tôi xin phép nói một số ý về chuyển đổi số.

1- Để hiểu hơn về chuyển đổi số (CĐS) thì nên làm rõ nội hàm của 3 từ tiếng Anh là: Digitization, Digitalization và Digital Transformation.

Digitization, tiếng Việt gọi là số hoá, là số hoá thông tin. Thông tin được số hoá và lưu trữ, xử lý trên máy tính. Từ phổ biến là mua máy tính. Và là vấn đề của công nghệ. Người được nhắc đến nhiều nhất là kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT).

Digitalization, tiếng Việt gọi là ứng dụng CNTT, là số hoá các quy trình. Là số hoá chiều dọc, số hoá các chức năng của một tổ chức. Thí dụ của nó là phần mềm quản trị nhân lực, phần mềm kế toán. Từ phổ biến là dự án CNTT. Và nó cũng là vấn đề của công nghệ là nhiều. Người được nhắc đến nhiều nhất là Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) trong doanh nghiệp và Bộ trưởng Bộ CNTT trong Nhà nước.

Digital Transformation, tiếng Việt gọi là chuyển đổi số (CĐS), là số hoá toàn bộ tổ chức, 100% hoạt động của tổ chức được chuyển lên trên môi trường số và tiếp theo là thay đổi cách hoạt động của tổ chức. Là số hoá chiều ngang. Phải làm lại chiến lược của tổ chức, làm lại vận hành của tổ chức. Từ phổ biến là thể chế, là thay đổi. Và nó là vấn đề về thể chế, về thay đổi nhiều hơn là vấn đề về công nghệ. Người được nhắc đến nhiều nhất là CEO trong doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ trong Nhà nước. Ý muốn nói rằng, CĐS là công việc của người đứng đầu nhiều hơn là của người phụ trách công nghệ.

2- Dữ liệu có phải dầu mỏ không? Không, dữ liệu không phải dầu mỏ. Dầu mỏ thì 1+1 bằng 2. Dữ liệu thì 1+1 sẽ lớn hơn 2, mà nhiều khi là lớn hơn rất nhiều, bởi vì dữ liệu mà to ra thì giá trị sẽ tăng theo cấp số nhân. Dầu mỏ thì dùng là hết. Dữ liệu mà sử dụng thì vẫn còn đó. Dầu mỏ thì người này dùng sẽ không còn cho người kia dùng nữa. Dữ liệu thì người này dùng tạo ra giá trị sẽ không ảnh hưởng gì đến việc một người khác nữa dùng và tạo ra giá trị khác, càng nhiều người dùng càng tốt.

3- Làm CĐS cho ngành giao thông cần bao nhiêu doanh nghiệp công nghệ số? Chắc chắn không phải 1, cũng không phải 2, cũng không phải 3 mà sẽ là nhiều hơn rất nhiều. Dữ liệu của ngành giao thông thì người nhìn thấy giá trị rõ nhất nhiều khi không phải người trong ngành. Chúng ta sẽ không biết được ai sẽ là người tạo ra giá trị nhiều nhất từ dữ liệu ngành giao thông và vì thế mới có việc mở dữ liệu cho các doanh nghiệp khai thác và tạo ra giá trị cho đất nước.

4- CĐS thì có nên bắt đầu từ những dự án to không? Câu hỏi quan trọng nhất về mọi dự án là nó có hiệu quả không, chứ không phải câu hỏi về to hay nhỏ. Hiệu quả có nghĩa là bỏ ra 100 đồng thì phải mang về lớn hơn 100 đồng. CĐS là một công việc mới và sẽ là một quá trình rất dài và liên tục. Vậy nên, hãy bắt đầu từ những dự án mà sau 1 năm, hoặc cùng lắm 2 năm phải mang lại kết quả và hiệu quả. Những trải nghiệm này sẽ mang lại niềm tin vào CĐS và để ra những quyết định lớn hơn. Hãy luôn nhìn vào giá trị và hiệu quả mà các dự án CĐS mang lại. Hãy thận trọng với những dự án hoành tráng!

5- Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giải được các bài toán của ngành giao thông không? Thành công của CĐS thì công nghệ chỉ chiếm 20-30%. Phần lớn là phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi hoạt động của người đứng đầu và sự tường minh của bài toán mà tổ chức đó đặt ra cho giới công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà hoàn toàn có thể giải được những bài toán của ngành giao thông, nếu thiếu tri thức thì họ có thể hợp tác quốc tế. Phản ứng nhanh, linh hoạt, sáng tạo, am hiểu công nghệ, thay đổi kịp thời theo yêu cầu của người dùng, có thể tự bỏ tiền đầu tư làm thí điểm trước, hiểu văn hoá, đó là những thế mạnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

6- Tại sao có nhiều doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng bỏ chi phí của mình để làm thí điểm CĐS với ngành giao thông? Bởi vì các dự án CĐS đều phải có người làm “chuột bạch”, tức là phải có môi trường, có tri thức của ngành và có dữ liệu để thử. Doanh nghiệp công nghệ không thể tự làm được. Vậy nên, có người cho làm là hạnh phúc rồi. Sản phẩm được tạo ra luôn có công của cả người lập trình và công của người dùng. Sau này, kể cả trường hợp ngành giao thông không mua sản phẩm của họ thì họ cũng đã có sản phẩm. Sự hợp tác hai bên này là điều kiện tiên quyết để dự án CĐS thành công.

7- Bộ trưởng Bộ Giao thông thời CNTT và thời CĐS có gì khác nhau? Thời CNTT thì Bộ trưởng chỉ là người quyết định chi tiền, Giám đốc CNTT sẽ là người làm. Thời CĐS thì Bộ trưởng là người làm trực tiếp, nếu chỉ chi tiền mà không làm trực tiếp thì sẽ mất tiền là chính. Vì CĐS không phải là mua công cụ để tự động hoá các quy trình cũ mà là thay đổi cách hoạt động, thay đổi quy trình, mà đây lại là việc của Bộ trưởng.

8- CNTT và công nghệ số (CNS) thì có gì khác nhau?

CNS thì có có thêm công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) có thể lưu trữ, xử lý được những dữ liệu rất lớn với giá rất rẻ và rất nhanh. Trước đây thời CNTT sẽ không dám thu thập và lưu trữ nhiều dữ liệu vì đắt, lại không xử lý được nên dữ liệu lớn không mang lại giá trị.

CNS thì có thêm công nghệ IoT (Internet vạn vật) để đo đạc, thu thập dữ liệu về thế giới xung quanh, thí dụ như các bộ cảm biến đặt dưới lòng đường xem có xe ô tô nào đang đỗ tại đó không và truyền dữ liệu về trung tâm để thông báo cho những người lái xe về chỗ có thể đỗ xe. Các bộ cảm biến bây giờ nhỏ, tốn ít nguồn, truyền được dữ liệu qua mạng viễn thông, giá thì rẻ, có thể lắp đặt hàng triệu cái. Nếu tưởng tượng cả thế giới vật lý được số hoá và được đo lường theo thời gian thực và cập nhật dữ liệu thì Bộ Giao thông sẽ biết ngày mai có bao nhiêu km đường và ở đâu cần bảo dưỡng.

CNS có một công nghệ mới là Cloud Computing (điện toán đám mây). Trước đây cứ phải đi đầu tư các hệ thống CNTT, mỗi cục, mỗi vụ, mỗi sở, mỗi huyện, mỗi xã là một hệ thống, không biết bao nhiêu mà kể, nhưng tất cả chúng cũng chỉ để làm một việc giống nhau. Rồi cứ mấy năm lại phải đầu tư lại và cũng không biết tuyển đâu ra người để vận hành nó. Bây giờ thì cả Bộ là một phần mềm dùng chung từ Trung ương đến địa phương, phần cứng cũng là một, cần bao nhiêu thì thuê, không cần đầu tư vận hành, giá lại rẻ hơn nhiều.

CNS thì có thêm công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Có lẽ AI của Cuộc cách mạng 4.0 là sự khác biệt lớn nhất so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Trước đây, công nghệ là thay lao động chân tay, bây giờ AI thay lao động trí óc. Con người thì đọc sách, AI thì học trên dữ liệu, rất nhiều dữ liệu của rất nhiều ngày và ra quyết định rằng ngày mai thứ 4, trời có mưa to, lại là ngày Quốc tế phụ nữ, tại ngã tư Cầu Giấy vào lúc 4h30 chiều thì đèn đỏ sẽ để 55 giây, chứ không phải 30 giây như ngày hôm trước, vì 55 giây là hiệu quả nhất và giảm tắc đường. AI giúp tự động hoá quá trình ra quyết định. Trước đây, máy móc tự động rồi, nhưng quá trình ra quyết định vẫn chưa tự động thì nay với trợ giúp của AI, quá trình ra quyết định là tự động. AI thay người ra quyết định ở một số việc.

9- Có người nói về văn hoá thời CĐS, nó là gì vậy? Nếu có chăng một cái như vậy thì đó là tinh thần giống như khởi nghiệp, mọi thứ đều phải thử, đều rất nhanh, chấp nhận sai rồi sửa, nghĩ thì lớn mà làm thì từ nhỏ, mọi thứ khá bừa bộn, người làm nhiều nhất là Bộ trưởng, ai cũng hỏi Bộ trưởng mà Bộ trưởng chẳng biết hỏi ai, sẽ không biết cái gì đúng, cái gì sai mà phải là thử đi rồi biết.

10- Ngành giao thông nên bắt đầu từ bài toán nào? CĐS thì thường hiệu quả nhất là ở các bài toán khó, tồn tại lâu dài trong ngành giao thông. Thí dụ, tắc đường ở thành phố lớn, vậy đèn giao thông có thể thông minh hơn không? Chi phí cho logistics chiếm tỷ trọng cao trong GDP, vậy Big Data về các phương thức và phương tiện vận tải có thể giúp phân tải đều cho các phương thức và phương tiện, cả chiều đi và chiều về, do vậy mà giảm giá thành không? Tai nạn giao thông nhiều, Big Data về tình trạng đường sá (IoT), thời tiết, tuổi người lái xe, nơi và thời gian xảy ra tai nạn, người bị tai nạn đi phương tiện gì,... rồi dùng AI có cho chúng ta dự đoán và hạn chế được gì không? Chúng ta có dữ liệu để đánh giá hiệu quả các con đường đã xây chưa, chúng ta có dữ liệu từ viễn thông và các ngành khác để dự đoán lưu lượng của một con đường mới không? Liệu IoT có phải là cách tốt để dự đoán chính xác sự xuống cấp của các con đường và thời điểm phải bảo dưỡng chúng không?

11- Chúng ta có cách nào để không phải cái gì cũng cứ phải làm thử trước không vì thế thì chậm lắm? Cái may của CĐS là nhiều bài toán khá là giống nhau ở các quốc gia. Nhiều bài toán của ngành giao thông Việt Nam đã được các nước giải quyết rồi, đang hoạt động hiệu quả rồi, vậy thì ta học và làm luôn thôi. Chúng có thể chiếm tới 60-80%. Trong thời đại thay đổi nhanh này thì học hỏi người đi trước luôn là cách nhanh và hiệu quả nhất. Và cũng là dễ nhất nữa.

12- Bộ Giao thông có thể nhờ Bộ TT&TT lead một dự án nào không? Rất hân hạnh. Thường thì dự án nào bên giao thông thấy khó thì có thể sẽ không khó với ngành TT&TT. Anh Thể nên giao một việc khó.

13- Cách làm thời CNTT và CĐS có gì khác nhau? Thời CNTT thì có thể làm từng phần, chỗ làm chỗ không, khi dùng thì nửa trong hệ thống nửa ngoài hệ thống, nhân viên thì dùng nhưng thủ trưởng không dùng, dữ liệu thì nhà ai người đó giữ, nói nhiều đến chi mà ít nói đến giá trị tăng thêm, người bận rộn nhất là Giám đốc CNTT, khoe nhau thì là nhiều máy chủ, máy tính. Thời CĐS thì chỉ có thể là tất cả các đơn vị trong tổ chức cùng làm, người đầu tiên phải dùng là thủ trưởng, không vào hệ thống thì không làm việc được và không còn lúc trong lúc ngoài, dữ liệu thì liên thông không còn cát cứ, câu hỏi đầu tiên thường là dự án mang lại giá trị tăng thêm gì thay vì chỉ là chi bao nhiêu, người bận rộn nhất là người đứng đầu tổ chức, khoe nhau là nhiều dữ liệu.

14- Dữ liệu thời CNTT và CĐS có khác nhau không? Thời CNTT thì từ phổ biến về dữ  liệu là cơ sở dữ liệu (CSDL), người này tên gì, ngày sinh, quê quán, cái ô tô này loại gì, được mua ngày nào, biển số nào, đây là những dữ liệu ổn định. Thời CĐS thì từ phổ biến là dữ liệu lớn, là dữ liệu sống, là dữ liệu do con người, đồ vật sinh ra hàng ngày, nó lớn hơn hàng vạn, hàng triệu lần so với dữ liệu ổn định, là cái ô tô này đi bao nhiêu km, đi qua những con đường nào, cái lốp xe đã mòn đến mức nào rồi, những rung xóc ngày hôm nay đã làm giảm tuổi thọ ô tô thêm bao nhiêu. Những dữ liệu sống này được liên kết với nhau, được phân tích và sẽ tạo ra nền kinh tế dựa trên dữ liệu, tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước.

15- Tại sao cứ nói CĐS là hay là tốt mà nhiều ứng dụng CĐS rất chậm đi vào cuộc sống? CĐS là thay đổi. Mà thay đổi là không dễ. Thay đổi một thói quen còn khó hơn nhiều. Thay đổi thói quen của cả một xã hội còn khó hơn nữa. Thói quen mới nhiều khi phải bắt đầu từ biện pháp hành chính để mọi người phải dùng.

16- Dành bao nhiêu tiền cho CNTT, CĐS thì vừa, có cần định mức không? Cái mà mới thì làm sao biết để định mức. Nhưng có số liệu thống kê qua nhiều năm, ở nhiều nước. Chi cho CNTT và bây giờ là CĐS thì các nước trung bình là 1% ngân sách, nước nào cao thì chi hơn, có khi trên 2%. Nếu coi tổ chức như một cơ thể thì hệ thống thông tin như cái não. Cái não tuy nhỏ nhưng nếu thông minh thì sẽ làm cho toàn bộ tổ chức hiệu quả hơn rất nhiều. 100 đồng chi cho phát triển hạ tầng giao thông, nếu trong đó chi 1 đồng cho hệ thống thông tin thì cái phần 99 đồng hạ tầng kia có thể có giá trị như là 130 đồng, có khi còn hơn. Ngành giao thông trước đến nay chi cho CNTT thường là chưa được 0,1%. Ngành giao thông đang quản lý một lượng tài sản rất lớn và những tài sản này đang tham gia vào phát triển kinh tế, nếu giao thông mà thông minh hơn, tắc đường giảm, thời gian chờ đèn đỏ giảm, xe vận tải chiều đi chiều về đều có hàng, xe không phải dừng lại mua vé, các con đường đều được tính toán hiệu quả, có dữ liệu để phân tải hiệu quả các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không,... thì ngành giao thông có thể góp thêm cho tăng trưởng GDP của đất nước rất đáng kể.

Kính thưa các đồng chí,

Tôi trân trọng cảm ơn anh Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức buổi làm việc hôm nay. Hai Bộ đã trình bày hiện trạng, Chương trình CĐS Quốc gia, đường hướng tương lai của CĐS ngành giao thông, các doanh nghiệp cũng đã phát biểu và đề xuất. Chúng tôi hiểu hơn câu chuyện của ngành giao thông. Và Bộ Giao thông vận tải cũng thấy rõ hơn những gì mà CĐS có thể mang lại cho ngành và đặc biệt hơn là niềm tin vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giải quyết các bài toán của ngành giao thông. Chúng ta sẽ ký với nhau một thoả thuận về những việc mà hai Bộ sẽ làm, nhất là những việc cụ thể cho 2 tháng còn lại của năm nay và cả năm sau. Tôi có niềm tin là dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng và sự quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, công cuộc CĐS ngành giao thông sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ và những lợi ích mà nó mang lại sẽ được nhìn thấy trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ trao giải Viet Solutions 2021

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ trao giải Viet Solutions 2021

VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ trao giải Viet Solutions 2021.