Kính thưa Ngài Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Thưa Ngài Ousmane Dione (Ốts-man Đi-ôn), Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới,
Thưa Ngài Kyle F. Kelhofer (Kai Ken-Hốp-Phơ), Giám đốc Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế,
Thưa các vị đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam,
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Cách đây tròn 3 năm, khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đồng hành, chung tay với doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, cùng nỗ lực đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Thông qua nhiều kênh đối thoại, trong đó Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là một diễn đàn quan trọng đã gặt hái được nhiều thành công, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đặt ra của nền kinh tế, của sản xuất, kinh doanh, phát triển và kết nối doanh nghiệp để cùng xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng và củng cố niềm tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thưa quý vị đại biểu,
Như chúng ta đã biết, năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.
Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng:
Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật số; hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ nhân tài và kết nối với các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới.
Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi…
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Thưa Quý vị,
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.
Điểm nhấn nổi bật nhất của các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và doanh nghiệp.
Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm đưa nước ta vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản.
Trong bối cảnh thương mại thế giới có những thay đổi, tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, với phương châm biến thách thức thành cơ hội và hành động nhanh, quyết liệt, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hôm nay với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” sẽ tập trung vào việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút đầu tư theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, có trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững.
Cũng tại Diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta sẽ được nghe bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thể hiện tình cảm, sự quan tâm và mong muốn của Lãnh đạo Chính phủ đối với sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, một trong những nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào việc định hình nên diện mạo của nền kinh tế cũng như hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện tốt vai trò kiến tạo phát triển đất nước.
Với tất cả ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019. Xin cảm ơn sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các Nhóm công tác thuộc Diễn đàn, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài đã tham dự Diễn đàn.
Xin chúc sức khoẻ Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và toàn thể quý vị đại biểu.
Trân trọng cảm ơn.