“Mỏ vàng” cần khai thác đúng cách

Theo báo cáo của Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 156 quốc gia có biển trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 27 và là nước có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á (diện tích có thể khai thác du lịch, bởi nếu tính diện tích biển thì Việt Nam không bằng Indonesia hay Philippines). Đáng chú ý, Việt Nam sở hữu Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang – 2 trong số 12 vịnh biển đẹp nhất thế giới cùng nhiều vịnh được xếp hạng ở các mức độ khác nhau: Mỹ Khê, Lan Hạ, Vĩnh Hy, Lăng Cô…

Với lợi thế nước biển ấm, bờ biển không bị cắt xẻ nên hình thành được nhiều bãi tắm đẹp không nhiều nước có được, nhiều bãi tắm luôn lọt vào danh sách những điểm đến quyến rũ nhất hành tinh theo bình chọn của các tạp chí du lịch uy tín. Bên cạnh đó, với truyền thống 4.000 năm lịch sử; gắn liền hệ thống biển, đảo là các không gian văn hóa đặc sắc đã được cộng đồng người Việt Nam (người Việt, người Chăm, người Hoa…) phát triển qua nhiều thế hệ; hệ thống di tích lịch sử-văn hóa đầy đặc cùng những phong tục tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… đậm sắc màu miền biển.

Có thể thấy rõ du lịch biển đảo được ví như “mỏ vàng” lớn cho Việt Nam khai thác. Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch biển, đảo; tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, ngoài chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ngành du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế biển được ưu tiên hàng đầu để phát triển, Việt Nam cần tận dụng tốt lợi thế của mình, khai thác đúng cách song song với bảo vệ môi trường; nếu không kinh tế biển nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng sẽ chỉ dừng lại ở dạng… tiềm năng.

Sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng

Tại một hội thảo thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo mới đây, ông Nguyên Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, 70% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam là du lịch biển. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực dồi dào của du lịch biển, đảo, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Theo lãnh đạo Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, giai đoạn 2010-2019 (trước đại dịch Covid-19), lượng khách đến các địa phương ven biển luôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt mức tăng 13,6%/năm với khách quốc tế và 12,3%/năm với khách nội địa. Ví dụ riêng năm 2019, lượng khách quốc tế đến các tỉnh ven biển chiếm 71,9% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

img 0768.jpg
Nhiều địa phương muốn phát triển du lịch biển đảo nhưng lại chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong ảnh là tình trạng rác thải đang bị vứt bừa bãi xuống sông (rồi trôi ra biển) trên đường ra đất Mũi Cà Mau. 

Bên cạnh đó lượng khách nội địa đến các tỉnh ven biển chiếm 59% tổng lượng khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 67% tổng thu từ khách du lịch cả nước. Số buồng lưu trú ở các tỉnh ven biển cũng chiếm tới 2/3 tổng số buồng lưu trú cả nước; phần lớn các khách sạn 4-5 sao cũng tập trung ở các tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển đã giành được những giải thưởng danh giá của các tổ chức du lịch uy tín thế giới...

Covid-19 qua đi, du lịch biển tại các địa phương bước vào giai đoạn phục hồi và đang có sự phân hóa mạnh trong các chiến lược thu hút khách cũng như quảng bá các sản phẩm du lịch. Nếu trước đây Thừa Thiên -Huế kết hợp với Đà Nẵng và Quảng Nam hình thành tuyến du lịch “qua 3 tỉnh thành với 4 di sản” gồm: Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn thì nay những tour kết hợp như vậy đã trở lên phổ biến hơn.

Các địa phương đã biết kết hợp với nhau để tạo thành chuỗi giá trị với các sản phẩm du lịch đa dạng, trong đó du lịch biển đảo, du lịch mạo hiểm được du khách rất ưa thích. Ví dụ với Quảng Bình, hang Sơn Đoòng như cực nam châm, nhưng yếu tố biển cũng được lồng ghép để đến với Quảng Bình, du khách sẽ được đi rừng, vào hang động; xuống biển Nhật Lệ, tắm mình với thiên nhiên. Mặc dù được xác định du lịch biển, đảo ngày càng đóng góp đáng kể cho kinh tế-xã hội các địa phương, và tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế xanh của đất nước. Nhưng theo nhiều chuyên gia, những kết quả tăng trưởng kể trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của du lịch biển, đảo Việt Nam.

Là bộ quản lý trực tiếp về du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển, đảo ở nước ta mới chỉ dừng ở khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều. Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Việt cho biết: Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển, đảo ở nước ta còn thấp; tính mùa vụ của du lịch biển, đảo còn cao, nhất là ở khu vực miền bắc khi có mùa đông lạnh; các sản phẩm du lịch cao cấp gắn với biển, đảo chưa nhiều (ví dụ các festival biển, các lễ hội ẩm thực biển, các cuộc thi mạo hiểm: đua cano, thuyền buồm, lặn biển…).

Phân vùng quy hoạch biển, nhưng cần liên kết để phát triển du lịch

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group chia sẻ: Hậu Covid-19, du khách có xu hướng tìm về với thiên nhiên, biển, đảo để bồi dưỡng sức khỏe thể chất, tinh thần. Vì thế, các sản phẩm du lịch biển, đảo của Việt Nam càng cần đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu du khách. Tuy nhiên, các chính sách hiện nay chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo.

“Chỉ riêng việc xin giấy phép đầu tư du thuyền cũng phải qua rất nhiều cơ quan, tốn kém thời gian, công sức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc sớm tạo ra những trải nghiệm mới, giàu cảm xúc cho khách hàng. Hiện nay, dư địa để khai thác khách du lịch bằng đường tàu biển của Việt Nam còn rất lớn, song chúng ta lại chưa có những tàu du lịch lớn (sức chứa vài nghìn du khách) để phục vụ. Ngay như ba vịnh: Lan Hạ, Hạ Long, Bái Tử Long liền kề nhau nhưng lại chưa thể liên thông do thuộc sự quản lý địa giới hành chính của Quảng Ninh và Hải Phòng, dẫn tới khó khăn trong khai thác tour, tuyến...”, ông Hà cho hay.

Một lưu ý khác cũng được Chủ tịch Lux Group chia sẻ đó là các địa phương cần sớm có quy hoạch không gian biển, cần có chiến lược khai thác và phát triển du lịch biển, đảo theo hướng bền vững, hài hòa hơn. Ví dụ, với Quảng Ninh và Hải Phòng hay Khánh Hòa (nơi các các vịnh biển đẹp), chính sách cho kinh tế du lịch cần được thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tour biển, đảo và tour trải nghiệm trên vịnh. Đồng thời phải hết sức quan tâm đến vấn đề môi trường, đặc biệt là việc hạn chế và xử lý rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Nếu không du khách đến rồi không hẹn ngày trở lại, du lịch biển đảo với vẻ đẹp tiềm ẩn sẽ mãi chỉ dừng ở tiềm năng.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV