Đây là hoạt động định kỳ hằng năm nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại sân bay Đà Nẵng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình an ninh an toàn cháy nổ diễn biến ngày càng phức tạp.

Tình huống giả định, lúc 18h50, trong quá trình bàn giao ca trực, nhân viên trực ca sau khi phát hiện lửa bất ngờ phát lên từ phòng điều dòng (nhà Volt) đã lập tức kích hoạt chuông báo cháy và thực hiện quy trình báo động khẩn cấp.

Ngay sau khi nhận được tín hiệu báo cháy, trực ban trưởng nhanh chóng liên lạc với đội cứu hỏa khẩn nguy; lực lượng y tế để huy động các phương tiện và nhân lực cần thiết.

unnamed.jpg
Diễn tập chữa cháy tại sân bay Đà Nẵng 

Đồng thời, nhân viên tại hiện trường tiến hành cắt điện khu vực bị cháy, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để ngăn chặn đám cháy lây lan trong khi chờ lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến hiện trường.

Ở diễn biến khác, sau khi nhận được thông báo, lực lượng đội cứu hỏa khẩn nguy đã có mặt tại hiện trường với 3 xe chữa cháy và 1 xe khẩn nguy, cùng với các phương tiện cứu hộ hiện đại. 

Đội đã ngay lập tức triển khai lực lượng cứu nạn cứu hộ thực hiện công tác sơ tán và cứu người bị nạn, đảm bảo an toàn tính mạng cho tất cả các nhân viên có mặt tại khu vực nguy hiểm, đồng thời triển khai đội hình chữa cháy và làm mát khu vực xung quanh. 

Sau khoảng 10 phút triển khai quyết liệt, đám cháy giả định đã được khống chế hoàn toàn. Buổi thực tập đã diễn ra thành công, đạt được các mục tiêu đề ra về mặt thời gian, quy trình, và kỹ năng xử lý tình huống của các lực lượng tham gia. 

Kết thúc buổi diễn tập, lãnh đạo sân bay Đà Nẵng đã biểu dương tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của tất cả các lực lượng tham gia. Đồng thời đề nghị tất cả các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc nâng cao năng lực PCCC & CNCH, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động đảm bảo an toàn bay tại cảng.

Nhà Volt với chức năng quản lý và điều phối điện năng - là một trong những hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng của sân bay Đà Nẵng. Do đó, việc xử lý nhanh chóng và hiệu quả là hết sức cần thiết để tránh những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và nguy cơ cháy lan sang các khu vực khác.

Buổi thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lần này là dịp để lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, các đơn vị tham gia chữa cháy và từng cán bộ, công nhân viên nhận thức đúng, thực tế về tính nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ, tai nạn, sự cố; nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng trong công tác PCCC & CNCH; kiểm tra và đánh giá tính hiệu quả của phương án PCCC đã được xây dựng, đồng thời rà soát khả năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện có.

Đây cũng là dịp để cán bộ, nhân viên các đơn vị liên quan trực tiếp luyện kỹ năng phản ứng trước các tình huống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ.

Cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 80%

Theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, trong tháng 8 cả nước xảy ra 312 vụ cháy khiến 1 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Số vụ cháy trong tháng 8 tăng 7 vụ, số người chết giảm 18 người (tháng 7 là 19 người), người bị thương giảm 7 người. Số vụ nổ tăng 2 vụ, số người chết tăng 4 người, số người bị thương tăng 10 người.

Loại hình nhà dân xảy ra 93 vụ cháy (chiếm 29,8%); 39 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 12,5%); 26 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 8,3%) còn lại là các loại hình khác.

Về tài sản, ước tính sơ bộ các vụ cháy gây thiệt hại khoảng 10,6 tỉ đồng và 10,4 ha rừng. Ngoài ra, toàn quốc cũng xảy ra 5 vụ nổ gây thiệt mạng 4 người, bị thương 13 người.

Cũng theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, trong số những vụ cháy nổ đã điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 80,7% (159/312 vụ); do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 22 vụ (chiếm 11,2%) còn lại là các nguyên nhân khác…