Cuối tuần trước, Cơ quan Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) đã đưa ra án phạt 18,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,8 tỷ USD) đối với hãng thương mại điện tử Alibaba, với cáo buộc công ty này vi phạm luật chống độc quyền trong cạnh tranh.
Đây là mức xử phạt kỷ lục đối với một tập đoàn của chính phủ Trung Quốc. Mức xử phạt này tương đương 4% doanh thu từ thị trường nội địa của Alibaba trong năm 2019 và vượt xa mức phạt kỷ lục 1 tỷ USD trước đó của chính quyền Trung Quốc với hãng chip Qualcomm của Mỹ vào năm 2015.
Tuy nhiên, sau khi phải nhận án phạt kỷ lục, thay vì tìm cách kháng cáo để giảm án phạt, Alibaba đã có một động thái bất ngờ khi gửi… lời cảm ơn đến chính quyền Trung Quốc vì án phạt này.
"Alibaba sẽ không đạt được sự phát triển nhưng chúng tôi có được hiện nay nếu không có các quy định và chính sách hợp lý của chính phủ, cùng với sự giám sát, sự khoan dung và hỗ trợ từ chính phủ đã giúp chúng tôi có được sự phát triển như ngày hôm nay. Do vậy, chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và sự tôn trọng", Alibaba cho biết trong một thông cáo đưa ra sau khi nhận án phạt từ chính quyền.
Đây là một động thái được đánh giá là không thể ngờ của Alibaba và cho thấy quyền lực của chính quyền Bắc Kinh đối với các tập đoàn tại Trung Quốc. Nếu án phạt được đưa ra tại Mỹ đối với Apple, Google hoặc Facebook… các công ty này sẽ tìm mọi cách để tránh án hoặc giảm án phạt, thay vì "nói lời cảm ơn" như Alibaba.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Alibaba hoàn toàn có lý do để "nói lời cảm ơn" sau khi nhận án phạt. Đầu tiên, mức án phạt này thấp hơn nhiều so với mức án phạt tối đa mà chính quyền Trung Quốc có thể xử phạt một công ty theo luật pháp. Bên cạnh đó, án phạt được đưa ra như một cách để "giải tỏa tâm lý" cho Alibaba, sau một thời gian công ty này bị điều tra và luôn lo âu với các hình phạt lơ lửng trên đầu. Có thể nói, Alibaba dường như "sạch tội" sau án phạt này.
"Chúng tôi vui vì khi bỏ lại được các vấn đề sau lưng mình", Thái Sùng Tín, nhà đồng sáng lập và Phó chủ tịch Alibaba chia sẻ với các cổ đông. "Các hành động pháp lý đã được thực hiện để đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh".
Bên cạnh khoản tiền phạt, Alibaba sẽ buộc phải thực hiện nhiều "biện pháp cải tổ", chẳng hạn cho phép người bán hàng có thể lựa chọn Alibaba hoặc một nền tảng thương mại điện tử bất kỳ để bán sản phẩm, thay vì cam kết chỉ được phép sử dụng Alibaba để bán hàng. Tuy nhiên, Thái Sùng Tín trấn an các nhà đầu tư rằng các chiến lược quan trọng của công ty vẫn được giữ nguyên mà không bị thay đổi vì án phạt.
Án phạt nhằm vào Alibaba được xem là nhẹ hơn nhiều so với những dự đoán ban đầu. Trước đó, Alibaba được cho là phải chịu án phạt bán bớt tài sản hoặc thoái vốn tại các công ty con.
Sau khi án phạt được đưa ra, Tổng giám đốc điều hành của Alibaba Trương Dũng tuyên bố rằng công ty đã sẵn sàng để bước tiếp các thử thách, trong khi đó, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không cố gắng kìm hãm các nỗ lực của Alibaba, như một động thái cho thấy Alibaba đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ chính quyền.
Alibaba đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc từ cuối năm ngoái, sau khi nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp tư nhân và tuyên bố rằng sự quản lý của chính quyền Trung Quốc đã không theo kịp sự phát triển của ngành công nghệ.
Cuộc điều tra nhằm vào Alibaba cũng được xem là động thái mở đầu cho chiến dịch nhằm kiềm chế quyền lực của các nhà hãng công nghệ của chính phủ Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty này có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong đời sống và xã hội tại quốc gia này.
Sau Alibaba, một trong những hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Tencent, được cho là sẽ trở thành mục tiêu điều tra tiếp theo của chính phủ nước này.
Ngoài Trung Quốc, chính phủ Mỹ và châu Âu cũng đang thực hiện các nỗ lực nhằm hạn chế sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các "gã khổng lồ công nghệ" như Google, Facebook hay Apple…
Theo Dantri/E.T/ToI
'Án phạt Alibaba là một đòn cảnh cáo các ông lớn công nghệ TQ'
Bằng cách phạt nặng tay với Alibaba, chính quyền Bắc Kinh đang gửi thông điệp cảnh cáo đến các gã khổng lồ công nghệ khác của đất nước.