- “Không biết ngày nào tôi sẽ ra đi nhưng nếu chỉ còn một ngày nữa để sống hay 1 tháng, 2 tháng thì vẫn muốn đó không phải là ngày mình phải nằm trên giường bệnh. Còn sống ngày nào, tôi sẽ vui và tận hưởng ngày đó…”, Giáo sư Trần Quang Hải.

Quy trình khắc nghiệt để chọn ra TGĐ UNESCO

​Trấn Thành vẫn làm giám khảo sau khi bị Đài Vĩnh Long cấm cửa

Giới cải lương Việt đưa tiễn nghệ sĩ Thanh Sang trong mưa

Khám phá Đồng Tháp qua 100 tư liệu quý

'Ngọc Hoàng' Quốc Khánh thành hình mẫu sáng tác tượng cát

Lý giải cơn sốt nhạc kịch chưa từng có tại Hà Nội

{keywords}

Giáo sư - "Vua muỗng" Trần Quang Hải.

Tôi đã làm những điều ba mình không làm

Thưa Giáo sư Trần Quang Hải, hơn 40 năm tiếp nối con đường nghiên cứu cổ nhạc dân tộc mà cha ông đã theo đuổi. Ông thấy mình đã thật sự thoát khỏi cái bóng của cha hay chưa?

- Ba tôi là đại giáo sư chuyên môn về nhạc Việt Nam và nhạc Á Châu. Tôi đi theo con đường ông, hấp thụ tất cả những tinh hoa và sự giáo dục của ông. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, tôi đi xa hơn về nhạc thế giới bao gồm Phi Châu, Úc Châu, Mỹ Châu… 

Ngoài âm nhạc truyền thống tôi còn bước vào thế giới của những người trẻ với những thể loại nhạc Techno, Hiphop… để họ biết rằng những nhà nghiên cứu như tôi vẫn đủ khả năng để cảm thụ và chơi những dòng nhạc hiện đại của họ. Khi mình đã hiểu được sở thích, thú vui âm nhạc của giới trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và truyền dạy.

{keywords}

Nghiên cứu và viết các bài giới thiệu, công bố những nghiên cứu của mình đối với thế giới là việc chính. Nhưng tôi cũng muốn những người nước ngoài và những bạn trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài biết đến âm nhạc Việt Nam không phải theo kiểu ăn đồ hộp. Bởi vậy thái độ của những nhà nghiên cứu là phải gần gũi, tham gia những buổi nói chuyện với đối tượng và độ tuổi khác nhau. Tôi đã trình diễn hơn 3500 buổi tại 70 quốc gia trên thế giới giới thiệu những nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam. 

Giáo sư được đào tạo để trở thành nhạc sĩ chơi đàn violin nhưng con đường nào đưa ông về với nhạc cụ dân tộc?

- Tôi sang Pháp và tiếp tục được học với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt để trở thành nhạc công chơi đàn vĩ cầm và nhạc cụ Tây Phương. Khi đó ba tôi đang ở Pháp, và ông đưa tôi đến gặp một giáo sư violin nổi tiếng trên thế giới, là bạn của ông. Sau bữa ăn, vị giáo sư ngỏ ý muốn tôi chơi violin thử bằng cách đưa tôi cây đàn trị giá 1 triệu USD. Lần đầu tiên chơi đàn trước bậc thầy tôi run lắm nhưng sau khi lấy lại tinh thần tôi đã chơi mấy bản.

Nghe xong vị giáo sư đáng kính nói: "Cháu đàn nghe tạm được, khả năng của cháu được đào tạo tốt có thể trở thành một giáo sư violin giỏi, những người như thế có hàng chục nghìn ở Pháp. Nếu cháu giỏi hơn được vào chơi ở Dàn nhạc quốc gia opera của Pháp, ngoại hạng hơn nữa trở thành nghệ sĩ biểu diễn trên thế giới có hàng trăm người như thế ở Pháp. 

Nước Pháp không cần thêm một nghệ sĩ violin, mà cần hơn một nghệ sĩ, một chuyên gia về âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt. Cháu may mắn vì có người cha là sư tổ về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Vậy cớ sao cháu không quay về cội nguồn? Trở thành một người nối tiếp con đường của cha mình, nối tiếp để giữ vững những truyền thống của Việt Nam?”.

Trong lòng tôi lúc đó thấy buồn nhưng sau đó ngẫm lại thấy ông nói đúng và sau này xin phép ba làm đệ tử. Tôi vẫn nhớ ngày mình nói ý nguyện với ba, ông đã ôm tôi thật chặt, hai cha con rơi những giọt nước mắt của hạnh phúc và sẻ chia. Tôi hiểu, ba đã mong điều này từ lâu lắm rồi. Và chính ông đã nói với giáo sư violin khuyên tôi nên trở về với âm nhạc dân tộc. Suốt 10 năm đi học tôi đã khám phá rất nhiều nhạc lạ lùng, thú vị. 

{keywords}

GS.TS Trần Quảng Hải tại buổi Lễ tiếp nhận sách, băng đĩa tư liệu nghiên cứu âm nhạc của ông cho Học viện Âm nhạc Quốc Gia VN

Từ chối lời đề nghị của chính phủ Pháp

Nhưng tới hôm nay, Giáo sư vẫn đang độc bước trên con đường của mình vì chưa có học trò – đệ tử thật sự nối gót. Đó là điều đáng buồn?

- Đúng, những người theo tôi học để làm các công trình nghiên cứu, các buổi luận văn tại các giảng đường Học viện rất nhiều nhưng đệ tử - học trò ruột tôi không có và chắc cũng “hiếm có khó tìm”. Nhưng tôi không thấy buồn, vì đó là chuyện của những người trẻ không muốn làm, không muốn theo hoặc không thể theo. Tôi là một trong những người khác lạ và có sự đam mê lớn và nhận thức được chuyện quan trọng trong việc đi nghiên cứu cổ nhạc dân tộc. 

Tôi từng gặp một phụ huynh có cậu học trò cùng sở thích về âm nhạc dân tộc và đặt câu hỏi: "Anh chị có dám giao con cho tôi trong vòng 10 năm không được gặp? Tôi sẽ huấn luyện cậu này trở thành một nhà nghiên cứu?”, đồng thời tôi cũng hỏi cậu bé: Con có chịu vậy không? và... không ai chịu hết…

Tôi đi theo con đường của ba không phải do ông áp đặt hay bắt buộc. Ông chỉ truyền dạy cho tôi kiến thức, đam mê, nhưng đến khi tôi lựa chọn con đường để đi, để thuyết phục tôi thay đổi, chính ông cũng không nói mà phải nhờ một người khác nói. Với người trẻ không bắt buộc được đâu. Mình phải làm sao để tụi trẻ cảm thấy cái hay cái đẹp, sự hấp dẫn của cổ nhạc để họ có thể ngồi nghe không phải bắt ép. 

{keywords}

Giữa hành trình đến và đi để nghiên cứu về âm nhac dân tộc, trong hơn 40 năm đó đã có lúc nào ông bế tắc, nản lòng và khóc?

- Không hẳn bế tắc, tuyệt vọng nhưng tôi đã khóc… Đó là ngày ba tôi mất, ông đi mang theo một tâm nguyện sẽ thành lập quỹ Trần Văn Khê (Q-TVK) và việc thỉnh nguyện chuyển ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai trở thành trung tâm Trần Văn Khê (TT-TVK).

{keywords}
 

Việc hiến tặng toàn bộ tài liệu nghiên cứu về dân tộc học cho Học Viện âm nhạc Việt Nam thay vì để lại nước Pháp hẳn có mục đích và ý nghĩa to lớn?

- Đúng vậy! Một cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân. Nếu mình tôi không thể làm hết được, cần có sự cộng hưởng, chia sẻ của tất cả mọi người. Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia có những người thay tôi chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình, bảo tồn nó để không bị mai một hay thất lạc. Nơi tôi ở bên nước Pháp cũng ngỏ ý mua lại những tài liệu nghiên cứu này và thành lập trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam tại đó, đổi lại tôi sẽ được cấp nhà, khoản tiền khá lớn nhưng tôi không đồng ý. 

Dù sống nơi xứ lạ hơn 55 năm nay nhưng dòng máu chảy trong tôi là dòng máu Việt Nam, thân thể tôi là con người Việt Nam, tôi nói tiếng mẹ đẻ. Vì thế, không có lý do gì tôi lại hiến tặng tất cả những gì mình dày công nghiên cứu và đặt tất cả tâm huyết, tình cảm về quê hương cho xứ người. Tiền bao nhiêu cũng xài hết. Quan trọng là đến lúc nhắm mắt xuôi tay tôi đã làm được điều có ý nghĩa.

Tôi không muốn sống 2-5 năm trên giường bệnh

Giáo sư đang bị ung thư và ông đối diện với nó như thế nào?

- Tôi chỉ mới biết mình bị ung thư máu cách đây hai tháng khi đi khám sức khỏe. Bác sĩ bảo tôi có thể sống 2 – 5 năm nếu kiên trì xạ trị chiếu điện và theo dõi bệnh thường xuyên còn nếu không vài tháng tôi sẽ chết. Bác sĩ hỏi tôi chọn cách nào?, tôi trả lời: “Tôi muốn vài tháng tôi chết, không muốn sống 2 – 5 năm mà phải nằm trên giường bệnh”. Bác sĩ nói: “Tùy ông thôi nhưng khi gần chết ông sẽ ham sống lắm đấy”.

Đối với tôi, một khi mình đã thỏa mãn những gì mình làm, mãn nguyện ra đi vui vẻ chẳng còn điều gì phải tiếc nuối. Không biết ngày nào sẽ ra đi nhưng nếu chỉ còn một ngày nữa để sống, một ngày hay 1 tháng, 2 tháng nữa để sống tôi vẫn muốn đó không phải là ngày phải nằm trên giường bệnh. Còn sống ngày nào, tôi sẽ vui và tận hưởng ngày đó. Tôi ăn uống như người thường chẳng kiêng khem cái gì, đi những nơi mình muốn đến, làm những gì mình thích và còn dang dở.

{keywords}

Đó có phải là hệ quả của việc ông  cho phép dùng hóa chất có thể gây ung thư để soi vào cổ họng mình?

- Khi mình làm nghiên cứu, thử nghiệm, mình không biết hậu quả thế nào. Thử nghiệm có thể làm cho mình chết, cũng có thể mang lại cho mình những nhận thức đột phá. Tất cả mọi nghiên cứu có thành quả đều là ngẫu nhiên, chẳng ai biết trước được. Ba tôi đã lo lắng vì tôi dám làm những điều mà ba tôi không làm. Nhưng tôi là người nghiên cứu, khác với người đi trình diễn ở chỗ, tôi phải biết mình hát ở chỗ nào, âm thanh giọng hát mình thoát ra từ đâu…

Trong câu chuyện, chia sẻ của mình ông nhắc đến rất nhiều hai tiếng dân tộc. Điều đó được phát huy như thế nào trong nếp nhà, gia đình của ông ở bên Pháp?

- 60 năm xa đất nước là 60 năm tôi mang theo nếp sống Việt trong ngôi nhà tại Paris, mang theo hàng trăm món ăn Việt trên bàn ăn gia đình. Bữa cơm của gia đình chúng tôi thường có thịt kho nước dừa ăn với dưa hấu hoặc xoài. Ngày tết có bánh chưng bánh tét, Trung thu có bánh dẻo bánh nướng, mồng 5 tháng 5 có bánh trôi bánh chay.

Con tôi ngày xưa học thạc sỹ về âm nhạc, nghiên cứu âm nhạc và 10 năm làm tổ chức những Festival nhạc Tây Phương nhưng sau này bỏ hết bước sang làm ẩm thực, chuyên gia về âm thực. Năm nay nó lại ra cuốn sách những món ăn thuần Việt phân thành từng vùng: Bắc, Trung, Nam. Nó sinh ra ở Pháp nhưng nói tiếng Việt như tôi nói chuyện với bạn. 

Không có sự lai căng nào xuất hiện trong những thành viên gia đình tôi. Chúng tôi là thuần Việt.

Cảm ơn những chia sẻ của giáo sư! 

Hương Hồ