Trong các dịp lễ Tết, tụ tập, người Việt thường có thói quen uống rượu, bia. Tuy nhiên, sử dụng đồ uống có cồn quá mức sẽ gây hại cho cơ thể, để lại hậu quả xấu về kinh tế và xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Trang, khối Nội tổng quát - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chia sẻ về tác động của rượu tới sức khỏe cùng những điều nên và không nên làm khi uống rượu để tránh gây hại cho cơ thể:
1. Nồng độ cồn trong máu là gì?
Nồng độ cồn trong máu (BAC) là chỉ số được dùng để đo lường lượng rượu, bia trong máu. Kết quả BAC 0,05% hay 0,5mg/ml nghĩa là có 0,05g rượu trong 100ml máu.
Cách đo nồng độ cồn trong máu: Nhân viên y tế sẽ lấy khoảng 2ml máu của người cần xét nghiệm, sau đó tiến hành quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu, sau 1 tiếng sẽ có kết quả.
2. Mức nồng độ cồn ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Các mức nồng độ cồn trong máu (được tính bằng đơn vị mg/dl) gây ảnh hưởng đến cơ thể như sau:
< 0,5023: Nồng độ này được xem là không có cồn theo Quyết định 320 của Bộ Y tế. Bởi ngay cả khi không dùng rượu, bia hoặc các đồ uống có cồn thì cơ thể vẫn sinh ra một lượng cồn nhỏ gọi là cồn sinh học từ việc ăn uống hằng ngày.
< 70: Mức độ trung bình, cơ thể ở trạng thái hưng phấn nhẹ.
80-120: Cảm xúc thay đổi như vui, buồn, giận dữ.
130 - 150: Cơ thể không đứng vững, gặp khó khăn khi nói chuyện và nhìn thẳng.
160 - 200: Thị lực và thính giác suy giảm nghiêm trọng, gặp khó khăn khi kiểm soát tốc độ, phản ứng chậm với các tín hiệu và tình huống khẩn cấp.
210 - 300: Buồn nôn hoặc nôn - triệu chứng ngộ độc rượu/cồn.
310 - 400: Ngộ độc rượu nặng, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt.
410 - 500: Nguy cơ bị hôn mê, suy giảm chức năng hô hấp, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt, tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu, thậm chí có thể tử vong.
> 500: Nguy cơ xuất hiện tình trạng lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và có thể dẫn đến ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt và nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
3. Ảnh hưởng của rượu, bia lên cơ thể
Sử dụng rượu, bia quá mức, lâu dài làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh như:
Não: Ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự thay đổi phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu. Ảnh hưởng các vấn đề về học tập và trí nhớ, bao gồm chứng mất trí nhớ và thành tích học tập kém, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng.
Mũi, họng và phổi: Rượu, bia dễ làm cho ta bị cảm lạnh, giảm đề kháng, làm tăng nguy cơ viêm phổi.
Khoang miệng và thực quản: Rượu, bia là chất kích ứng niêm mạc trong khoang miệng.
Dạ dày: Các phân tử rượu, bia ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa như thức ăn. Nếu uống khi đói, rượu, bia đi thẳng vào các mao mạch của niêm mạc dạ dày sẽ gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu, bia được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.
Tụy: Rượu, bia quá mức còn gây viêm tụy cấp và mạn tính tái phát nhiều lần.
Gan: Từ 90% đến 95% rượu được chuyển hóa qua gan, được oxy hóa thành nước và carbon dioxide. Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu/ngày. Uống rượu thường xuyên sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm gan và xơ gan.
Thận: Rượu, bia hoạt động như một thuốc lợi tiểu, làm tăng sự hình thành nước tiểu gây mất và khát nước.
Hệ tuần hoàn: Các chất được chuyển hóa từ rượu, bia làm giãn mạch máu, gây đỏ mặt, nhịp tim nhanh, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp. Uống thời gian dài sẽ làm tổn thương cơ tim gây suy tim nặng như bệnh cơ tim giãn nở do rượu.
Cơ quan sinh dục: Làm giảm khả năng sinh dục và tăng nguy cơ dị dạng bào thai, đẻ non, đẻ nhẹ cân, sảy thai và thai chết lưu.
Ung thư: Cồn trong rượu bia được xếp vào nhóm chất gây ung thư theo tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, gây nguy cơ ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng và trực tràng.
Hội chứng cai rượu: Xảy ra nếu uống nhiều rượu, trong một thời gian dài. Đột ngột ngưng dùng rượu sẽ gây cho người nghiện cảm giác khó chịu, có thể dẫn đến cơn loạn thần, làm tổn thương người xung quanh hay nảy sinh ý muốn tự tử.
Tai nạn và thương tích: Một tỷ lệ gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu, bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý, gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây chấn thương và tử vong liên quan đến rượu, bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi trẻ. Rượu, bia được xác định là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, còn ảnh hưởng các vấn đề xã hội bao gồm bất ổn gia đình, công việc và thất nghiệp.
4. Uống rượu đúng cách
- Việc nên làm
Trước khi uống rượu, bia: Nên uống nước lọc, nước hoa quả hoặc nước súp và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên dùng đồ ăn có nhiều protein để làm chậm quá trình hấp thu rượu, bia vào máu.
Trong lúc uống: Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng, dạ dày; đồng thời giúp gan có thời gian oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.
Sau khi uống: Cần uống nhiều nước lọc để pha loãng, làm giảm nồng độ cồn trong máu và tăng thải qua thận.
- Việc không nên làm
Không nên uống rượu, bia lúc đói: Uống rượu, bia khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét và chảy máu dạ dày.
Sau khi uống rượu, bia, cần tránh lạnh, tránh gió lùa và không được tắm ngay vì rất dễ xảy ra tai biến mạch máu não đối với người bị tăng huyết áp.
Không nên kết hợp với đồ uống có ga sẽ làm tăng khả năng hấp thu rượu, bia vào trong máu.
Không nên sử dụng chung với thuốc như Aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu, bia vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.
Không nên dùng với thức uống có caffeine: Rượu, bia làm chậm hoạt động của não và suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim.
Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 100ml rượu vang (13,5%) hoặc 330ml bia hơi (4%).