Sau khi viết thư ngỏ gửi các cấp lãnh đạo của thành phố Nam Định về việc phá bỏ nhà máy Dệt, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam đã nhận được phản hồi bất ngờ về vụ việc.

Trước quyết định của Thành phố Nam Định về việc phá bỏ nhà máy Dệt Nam Định - nhà máy một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương…Nhà báo Trần Đăng Tuấn từng theo học tại trường Lê Hồng Phong - Nam Định, hôm 6/7, đã viết một thư ngỏ rất dài gửi lãnh đạo thành phố này. Bức thư ngỏ thu hút hàng ngàn lượt like, và chia sẻ và cùng vô số bình luận.

Trong thư ngỏ này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, suốt hơn một thế kỷ qua, nhà máy Dệt Nam Định là nơi gắn liền với cuộc sống của hàng triệu người dân Thành Nam, gắn liền với hồi ức về các giai đoạn lịch sử, thời thuộc địa và thời độc lập, thời chiến và thời bình. Lịch sử nhà máy Dệt Nam Định là lịch sử thu gọn của giai cấp công nhân Việt, với tất cả những vất vả, hy sinh, bi tráng, hào hùng.

{keywords}

Nguyên văn bức thư trả lời ông Trần Đăng Tuấn từ đơn vị chủ đầu tư Đô thị Dệt may Nam Định

Theo kiến nghị của nhà báo Trần Đăng Tuấn: "Ngoài nhà bảo tàng nhà máy Dệt và các địa điểm khác có ý nghĩa lịch sử, khi tiếp tục di dời phần còn lại của nhà máy, xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay. Khu các xưởng máy này kết nối với nhà bảo tàng và các địa điểm khác sẽ thành quần thể bảo tàng về nhà máy Dệt Nam Định. Khi có điều kiện sẽ gia cố và phục chế, để thành nơi tham quan, tìm hiểu, học tập, làm bối cảnh cho các tác phẩm điện ảnh liên quan đến công xưởng, công nhân Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trước đây"

Nhà báo Trần Đăng Tuấn tin rằng, tại địa điểm Nhà Máy Dệt cũ, dù có xây dựng khu hành chính, khu đô thị, khu thương mại, thì phần các xưởng máy cũ được giữ lại là điểm nhấn lịch sử quý giá. Đó không chỉ là lợi ích tinh thần, mà bao gồm cả lợi ích vật chất.

Ngay sau khi những chia sẻ này được đăng lên mạng, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã nhận được thư trả lời của Chủ đầu tư Đô thị Dệt may Nam Định.

VietNamNet xin trích dẫn nguyên văn thư hồi đáp từ phía đơn vị đầu tư trước những lời ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn: "Công ty chúng tôi xin được cung cấp thêm 1 số thông tin và phúc đáp Thư ngỏ của quý Nhà báo như sau:

1. Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định - nay là Tcty CP Dệt may Nam Định được hình thành từ những năm 1900, là cái nôi của Ngành Dệt may Việt Nam, và cũng là một phần lịch sử của Thành phố Nam Định. Do Nhà máy hoạt động nhiều năm đã xuống cấp, với đặc thù sản xuất Sợi, Dệt, Nhuộm đã gây ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khoẻ người dân, nên đến năm 2003, Tcty đã bị Chính phủ xếp vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64, buộc phải di dời ra Khu công nghiệp Hoà Xá, hoặc ngừng sản xuất.

Để có nguồn vốn thực hiện di dời và nâng cấp, Chính phủ đã cho phép chuyển đổi Khu đất cũ thành đất ở đô thị và thương mại dịch vụ mà không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thực hiện theo Quyết định 86 năm 2010 của Thủ tướng CP, được sự ủng hộ và giúp đỡ của Tỉnh Nam Định, Tcty mới có được giải pháp tạo vốn theo quy định để di dời và đến nay, các phân khu sản xuất gây ô nhiễm nặng và xuống cấp nhất là Nhuộm và Động lực đã chấm dứt hoạt động tại khuôn viên cũ.

2. Việc đầu tư Dự án Khu đô thị được thực hiện hoàn toàn bởi nội lực từ các doanh nghiệp Dệt may, nhằm tạo đủ vốn để thực hiện di dời, xoá bỏ ô nhiễm và chỉnh trang đô thị. Nhà máy Dệt Nam Định mới sẽ có năng lực sản xuất mạnh hơn, công nghệ hiện đại bền vững và đảm bảo môi trường, việc làm thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá, góp phần tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống NLĐ. Đây là một bước chuyển mình để Nhà máy Dệt có một sức sống mới mạnh mẽ, phù hợp với quy luật phát triển và cạnh tranh của thị trường cũng như đòi hỏi chỉnh trang đô thị, trong điều kiện không có sự hỗ trợ từ ngân sách.

Hoàn toàn không tồn tại ở đây khái niệm Phá bỏ Nhà máy Dệt Nam Định.

3. Quan điểm chỉ đạo từ đầu của Tập đoàn Dệt may là phải giữ gìn, tôn tạo các di tích văn hoá liên quan, những đóng góp của Ngành Dệt may và Nhà máy với Thành phố.

Ngay từ năm 2012, Khu nhà truyền thống nơi Bác Hồ 3 lần về thăm đã được Tập đoàn Dệt may đầu tư bước đầu hơn 50 tỷ đồng nâng cấp thành Bảo tàng Dệt may với khuôn viên 2 ha, lưu giữ những máy móc thiết bị cũ, hình ảnh lao động và chiến đấu và những tình cảm của các vị Lãnh đạo, nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Nhà máy. Tuy nhiên đã hơn 4 năm hoạt động nhưng hầu như không có khách tham quan Bảo tàng, trừ CBNV ngành Dệt may và sinh viên các Trường trong Tập đoàn về học tập truyền thống.

{keywords}
Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Khuôn viên Cây Bàng, Sân vận động Kotonkin được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Các nhà biệt thự cũ được tôn tạo lại, Cột cờ Thành Nam, Chùa Vọng Cung cũng được dành sự quan tâm kết nối xứng đáng.

Tổng diện tích cũ của Nhà máy là 29 ha, đã được UBND Tỉnh quy hoạch năm 2013 phù hợp với Quy hoạch chung TP Nam Định do Thủ tướng phê duyệt, trong đó phần làm đất ở thấp tầng chiếm khoảng 09 ha (30%), đất công viên, văn hoá giáo dục, y tế khoảng 07 ha (chiếm 24%), còn lại là quy hoạch giao thông, khu mua sắm, thể dục thể thao... Ngoài ra, Tcty vẫn giữ lại khoảng 04 ha để làm việc, nâng cấp các cơ sở sản xuất ít ô nhiễm hoặc dịch vụ thương mại, tiếp tục hoạt động tại khuôn viên cũ.

4. Về ý kiến của quý Nhà báo đề nghị giữ lại một phần Xưởng dệt, chúng tôi xin được chia sẻ với sự tôn trọng, đồng cảm với mong muốn đóng góp cho Thành phố Nam Định ngày càng xanh đẹp, đậm đà truyền thống. Quy hoạch chi tiết 1/500 hiện nay của Khu đất đã được Viện QHXD Nam Định lập, UBND Tỉnh phê duyệt trên cơ sở QH chung Thành phố do Chính phủ phê duyệt, do vậy mỗi điều chỉnh đều phải được các Cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. Chúng tôi sẽ rà soát hiện trạng, Quy hoạch được duyệt, tìm một diện tích đất công cộng có các yếu tố:

- Có Nhà xưởng cũ hoặc phục dựng lại, đảm bảo bền vững, sử dụng lâu dài.

- Có giao thông thuận tiện, phù hợp kết nối hạ tầng kỹ thuật lân cận.

- Phù hợp với tiến độ di dời, có mô hình quản lý sử dụng ổn định, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có những đề xuất chính thức lên các Cấp có thẩm quyền chấp thuận triển khai các bước theo quy định của Pháp luật. Việc bố trí khu di tích như đề xuất trên diện tích Nhà máy chưa di dời là hoàn toàn khả thi, và rất phù hợp nếu có sự liên hệ bổ trợ cho Nhà bảo tàng Dệt may hiện có. Tuy nhiên cơ chế quản lý, khai thác sử dụng và phát huy cơ sở này cũng như kinh phí duy tu bảo dưỡng là những yếu tố quan trọng, lâu dài trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, cần phải được giải quyết thấu đáo, khả thi".

Việt Anh