Không còn vũ khí dầu lửa, khó khăn trăm bề buộc lòng nước Nga, giới tinh hoa Nga và cả ông Putin phải thức tỉnh, phải quyết liệt hơn trong yêu cầu cải cách. Cái khó buộc người Nga phải nhìn ra những khuyết tật cố hữu của nền kinh tế bị tổn thương trầm trọng sau chiến tranh lạnh.
Kỳ 1: Ai phải chịu trách nhiệm về khủng bố?
Kỳ 2: Chuyện Syria, nếu buông Nga sẽ trắng tay
Tuần Việt Nam xin giới thiệu kỳ cuối cuộc tọa đàm Nhìn lại thế giới năm 2015 với ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an và ông Vũ Đoàn Kết, giảng viên Chính trị quốc tế, Học viện ngoại giao.
Nhà báo Thu Hà: Tại tọa đàm cuối năm ngoái ông Lê Văn Cương dự đoán năm 2015 sẽ chứng kiến một số thay đổi trong quan hệ Nga-Mỹ. Vậy nhìn lại năm nay, quan hệ giữa hai nước này có gì đáng chú ý?
Ông Lê Văn Cương: Dự đoán của tôi cuối năm 2014 là đúng trên cơ sở quan hệ Nga-Mỹ xuống tới đáy. Năm 2015 này quan hệ của họ không thể xuống sâu hơn được nữa, họ tìm cách cải thiện, Nhưng vì giữa Nga và Mỹ có một vực thẳm thiếu lòng tin đối với nhau nên mối quan hệ của họ vẫn luẩn quẩn.
Nhưng vừa rồi Putin đã chơi một ván cờ khá cao tay. Hẳn mọi người còn nhớ hồi tháng 11/2014 khi các nước G20 họp ở Australia, Putin lúc đó rất lẫm lũi, cô đơn. Nhưng vừa mới đây, tại Antalya, Turkey ông ấy vui vẻ, trở thành trung tâm của mọi câu chuyện, ông ấy còn ngồi với Obama vui cười; Trước đó, bên lề kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Obama dành ra 35 phút để gặp riêng Putin… Những động thái này đều xuất phát từ việc nước Nga tham chiến tại Syria. Putin nhân đó cũng thể hiện cho thế giới biết rằng, những vấn đề của Syria, những vấn đề của Trung Đông và những vấn đề khác như Iran nếu không có ông là không giải quyết được.
Ông Vũ Đoàn Kết: Tôi cũng đồng quan điểm với giáo sư Cương khi cho rằng quyết định của Tổng thống Putin can thiệp hồi tháng 9 vừa qua là một quyết định mang tầm chiến lược, ông ấy đã thể hiện tư chất của một nhà lãnh đạo một nước lớn có tư duy chiến lược.
Việc ông Putin cho quân tham chiến tại Syria không chỉ nhằm bảo vệ đồng minh của mình là ông Assad, không chỉ nhằm tiêu diệt tận gốc những nhóm chiến binh IS có nguồn gốc từ Nga, cũng không chỉ nhắm vào việc cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở Trung Đông….
Sau chuyện ở Crưm, sau chuyện ở Ukraine quan hệ Nga với Mỹ và các nước phương Tây đã dựng lên một bức tường ngăn cách. Chính vì thế, ông Putin đã hành xử rất cao tay ở chỗ đã tạo ra một câu chuyện mới và từ câu chuyện ấy ông ta đã buộc những người khác ngồi lại với ông, nói chuyện với ông, đối thoại với ông mà không cần phải nhắc tới những câu chuyện vướng mắc cũ.
Ngay sau thảm kịch xả súng ở Pari, Putin rất nhanh chóng chia sẻ những đau thương mất mát và tỏ lòng đồng tình với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông ấy rất tài tình chuyển hóa thảm kịch thành cơ hội, ông ra lệnh cho các lực lượng quân sự Nga đang hoạt động tại chiến trường Syria phải hợp tác với người Pháp như là đồng minh. Chưa nói người Pháp sẽ hành xử như thế nào, nhưng những hành động của Putin cho thấy ông ấy đã lấy được điểm trong mắt người Nga.
Các vị khách mời tại tọa đàm. |
Mới đây nhất Bộ Nội vụ Nga tặng con chó Bécgiê cho lính đặc nhiệm Pháp. Hành động này hàm ý, người Nga không chỉ đứng bên cạnh nước Mỹ, đứng bên cạnh phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn đang cùng họ chia sẻ giá trị. Khác hẳn chuyện đã xảy ra tại hội nghị G7 diễn ra ở Đức năm 2015. Bà Merkel khi đó đã phải lấy làm tiếc vì Nga không được tham dự, vì G7 là một nhóm các quốc gia có cùng giá trị, không được tham dự, đồng nghĩa với việc Nga không có cùng giá trị.
Nhưng như những gì Putin đang làm, người ta thấy Nga đang đứng cùng một phía với Mỹ và Phương tây, người Nga sẵn sàng chia sẻ tất cả các giá trị, cả về mạng sống con người trong cuộc chiến chống IS. Tất cả những động thái này là cầu nối quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, họ đã có thể nói chuyện với nhau mà không cần thiết phải đề cập đến câu chuyện Crưm và Ucraina.
Nhà báo Thu Hà: Cũng năm ngoái, vũ khí mạnh nhất của Nga là con bài dầu lữa đã bị vô hiệu hóa. Theo các vị, năm nay Putin đã tìm lại được sức mạnh của mình chưa?
Ông Lê Văn Cương: Con bài dầu lửa là một vết đau của Putin và người Nga. Tước mất vũ khí dầu lửa là một đòn cực kỳ nguy hiểm đánh vào sức mạnh của nước Nga, đánh vào uy tín của nước Nga. Đây là cú đòn nặng nề nhất Mỹ và Phương Tây giáng vào Nga kể từ sau năm 1991.
Trong khó khăn ngàn trăm bề buộc lòng nướcNga và giới tinh hoa Nga và cả ông Putin phải thức tỉnh, phải quyết liệt hơn trong yêu cầu thay đổi mô hình phát triển kinh tế. Cái khó buộc người Nga phải nhận ra rõ hơn những khuyết tật cố hữu của nền kinh vốn bị tổn thương trầm trọng sau 25 năm chiến tranh lạnh. Nếu không vượt qua được thì nước Nga sẽ thất bại; nếu không vượt qua được thì nước nga sẽ bị Mỹ và phương Tây không coi trọng.
Ông Vũ Đoàn Kết: Vũ khí dầu lửa này Nga có được là nhờ Mỹ. Thời điểm 2001 - 2003 khi giá dầu rất thấp thì việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan sau đó là Irag đã đẩy giá dầu lửa lên. Có thời điểm như năm 2008 là 147 USD/ thùng, đã mang lại cho nước Nga khoản dự trữ rất dồi dào hơn 700 tỉ USD. Từ khoản dự trữ dồi dào đấy nước Nga đã cải thiện về chất lượng quân đội, vũ khí. Và khi đã “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thì ông Putin đã hành động quyết đoán ở Gruzia năm 2008, câu chuyện cũng lặp lại tương tự ở Ukraine năm 2014.
Nhưng điều xảy ra từ năm 2014 đến nay lại ngược với tính toán của ông Putin và giới lãnh đạo Nga ở chỗ, giá dầu lửa liên tục lao dốc và thậm chí những thông tin gần đây có thể lao dốc xuống dưới mức 30 USD/ thùng. Nếu giá dầu còn tiếp tục duy trì ở mức độ này thì gần như chắc chắn nước Nga sẽ lụi bại nếu họ không có sự chuyển đổi về kinh tế, không có chuyển đổi về mô hình, cầu trúc kinh tế. Đây là kịch bản không ai mong muốn, nước Nga lại càng không muốn và thế giới cũng không muốn.
Bi kịch là Nga không thể nào đảo chiều giá dầu lửa được. Giá dầu sẽ còn lao dốc. Nga không còn có thể dựa vào vũ khí dầu lửa được nữa.
Điều rất thú vị là trong thông điệp liên bang cuối năm ngoái, ông Putin đưa ra kỳ vọng đến giữa năm 2015 giá dầu lửa sẽ ổn định và mọi tính toán của ông Putin đều hoạch định, suy tính theo giả định là như thế, dựa trên giá dầu lửa sẽ ổn định… Nhưng thực tế cho thấy tính toán đó đã không đúng.
Khác với năm ngoái, thông điệp liên bang năm nay của ông Putin hầu như không có các từ dầu lửa, giá dầu lửa. Và như vậy rõ ràng trong toan tính của mình, có lẽ người Nga sẽ không còn dựa nhiều vào vũ khí dầu lửa nữa.
Ông Vũ Đoàn Kết. |
Ở đây có câu chuyện kinh tế rất thú vị. Đó là trong vòng 10 - 15 năm qua xuất khẩu dầu lửa là một mặt hàng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Nga, nhưng mặt khác nó cũng mang cho nước Nga một căn bệnh mà trong thuật ngữ kinh tế người ta gọi là “căn bệnh Hà Lan”. Trong suốt một thời gian dài, người Nga chỉ ngồi hưởng nguồn lợi từ xuất khẩu dầu lửa, nước Nga dường như không còn lo phòng thủ, không tìm cách chữa chạy căn bệnh. Và giờ đây họ đang phải hứng chịu kết quả của việc bỏ phí hơn 10 năm không lo cải cách nền kinh tế, không lo tái cấu trúc nền kinh tế.
Nước Nga là một đất nước vĩ đại, bên cạnh dầu lửa, họ còn rất nhiều tài nguyên khác, ví dụ tài nguyên trí tuệ. Những khó khăn hiện nay chắc buộc ông Putin sẽ phải chấn chỉnh lại.
Ông Lê Văn Cương: Nếu như nước Nga trong vòng mươi năm tới mà không thay đổi được cấu trúc nền kinh tế thì nước Nga không chỉ có suy sụp đâu. Trước áp lực như vậy, chắc chắn Putin và giới tinh hoa Nga sẽ bừng tỉnh, sau một giấc ngủ dài.
Ông Vũ Đoàn Kết: Trong nguy cơ hiện nay có cả cơ hội cho nước Nga thay đổi lại suy nghĩ, thay đổi lại mô hình phát triển.
Nhà báo Thu Hà: Thưa hai vị khách mời, sẽ là thiếu sót nếu như nhìn lại năm 2015 mà chúng ta lại không dự cảm cho năm 2016. Từ những diễn biến của năm 2015, các vị có thể nói gì cho năm tới, năm Bính Thân?
Ông Vũ Đoàn Kết: Tôi nhìn nhận năm 2016 như một cơ hội để cho các cường quốc cùng bắt tay nhau giải quyết câu chuyện nhà nước Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Trong không khí quan hệ giữa các nước lớn hiện nay, khả năng có một giải pháp cho Syria là rất có thể nhưng cũng có một điều cảnh giác đó là câu chuyện nhà nước Hồi giáo cực đoan sẽ không chỉ dừng lại ở Syria. Điều này đặt ra thách thức lớn hơn cho các cường quốc trong việc phải nhanh chóng tìm ra cách giải quyết câu chuyện ở Syria đã rồi đối phó tại các địa bàn khác.
Rất tiếc, tại tọa đàm lần này chúng ta chưa nói về châu Âu. Nơi đang chịu nhiều sức ép do dòng người di cư từ Trung Đông sang. Tôi thấy đây cũng là cơ hội cho liên minh châu Âu thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong chuyện người nhập cư; trong chuyện nội trị, tư pháp và người tị nạn. Tất cả những vấn đề này cho đến nay vẫn là thẩm quyền của các quốc gia thành viên chứ không phải thuộc thẩm quyền của liên minh.
Nếu năm 2015 kết thúc tốt đẹp với hy vọng về tương lai cho Trái đất đã được ký ở COP 21 tôi cũng kỳ vọng những căng thẳng sẽ không diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hy vọng câu chuyện ở Biển Đông sẽ có một cái tia sáng nào đó từ Tòa trọng tài thường trực The Hague. Chuyện nội bộ cộng với tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay không được tươi sáng khả quan cho lắm thì hành động của Trung Quốc sẽ kiềm chế hơn ở Biển Đông chăng? Nhưng chiều ngược lại cũng có thể họ sẽ trịnh thượng hơn, bất chấp hơn.
Ông Lê Văn Cương. |
Năm 2016, sau những gì đã diễn ra ở năm 2015, châu Âu, nước Nga và cả Mỹ sẽ phải hết sức cảnh giác với IS và Al Qeada.
Ông Lê Văn Cương: Trong năm 2016 sẽ có mấy sự kiện lớn mà muốn dự đoán tiến trình thế giới thì chúng ta không thể bỏ qua. Đó là cuộc bầu cử ở Mỹ, tức là Tổng thống Obama và cộng sự trong nhà trắng của ông sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho vấn đề trong nước. Như vậy can dự của Mỹ vào các vấn đề khác được tính toán trên lợi ích quốc gia của Mỹ. Ở đây có dấu ấn cá nhân nữa. Ông Obama là Tổng thống đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với Cuba sau một thời gian dài bị gián đoạn. Bên cạnh đó, những diễn biến quanh T5+1 với Iran cũng được xem là thành công về ngoại giao của ông Obama. Vấn đề ở đây không phải là chương trình hạt nhân, mong muốn của chính quyền Obama là tiến tới bình thường hóa với Iran.
Tôi hoàn toàn tin Syria sẽ có một giải pháp chính trị trong năm 2016. Tất nhiên điều này sẽ chưa được giải quyết toàn bộ nhưng cũng sẽ không căng thẳng, không quyết liệt như năm 2015.
Trong năm 2016, Trung Quốc cũng chuẩn bị Đại hội lần thứ 19. Và ông Tập Cận Bình cũng có rất nhiều việc phải làm cả đối nội, đối đối ngoại, bận cả việc chính trị lẫn kinh tế. Ông Tập sẽ dành nhiều thời gian hơn lo toan việc trong nước nhất là sau khi đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ trợ cứu đặc biêt.
28 nước châu Âu trong năm 2016 này vẫn tiếp tục gồng mình đối phó với dòng người nhập cư. Đây là tín hiệu cho thấy ông Putin sẽ tương đối yên ổn với cánh phía Tây. Và ông ấy sẽ có thể giành nhiều hơn để giải quyết vấn đề kinh tế trong nước.
Tôi cũng cho rằng, trong năm 2016 trên bình diện chính trị, an ninh toàn cầu, đặc biệt thể hiện trong quan hệ các cường quốc lớn sẽ không quá căng thẳng, họ sẽ ở thế thủ hòa hoãn với nhau nhiều hơn, ít có cọ sát không cần thiết. Nếu như có khó khăn, thì sẽ được đẩy lùi sang năm 2017- năm mở đầu một chu kì mới cho quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và Nga.
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị, tọa đàm nhìn lại thế giới năm 2015 của Tuần Việt Nam đến đây là kết thúc. Xin cám ơn các vị khách mời, xin cảm ơn quý vị độc giả.
Tuần Việt Nam