Theo số liệu thống kê, đến ngày 31/5/2023, tiến độ giải ngân năm 2022 của Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển; 5 tháng đầu năm 2023 đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển.

Trong bối cảnh chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình, đồng thời rất nhiều khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng Chương trình này đang sống ở vùng biên cương, phên dậu của đất nước, đang cố gắng chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, "cho nên chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm rất nặng nề trong việc này", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, mức độ quan tâm của các địa phương và chất lượng đội ngũ cán bộ là 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm triển khai Chương trình.

Dự án còn manh mún, địa phương nhận 200 tỉ mà có tới 400 dự án

Về cơ chế chính sách, Chương trình tích hợp hơn 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần, thuộc trách nhiệm quản lý của 23 bộ, ngành Trung ương. Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự xung đột, chồng chéo về quy định cần thời gian để sửa đổi, bổ sung.

W-datodatsx.png
Năm 2025 giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất. Giai đoạn 2026-2030 giải quyết 40% còn lại.

Về mức độ quan tâm của các địa phương, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ "nơi nào quan tâm thì ở đó công việc chạy". Cho đến thời điểm này, vẫn còn 6 địa phương (Long An, Bình Thuận, Trà Vinh, Vính Long, Bạc Liêu, Bến Tre) nợ văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo phân cấp.

Về năng lực của cán bộ, theo Phó Thủ tướng, trình độ của cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục còn phức tạp, dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, mất cán bộ.

Ngoài ra, ở nhiều nơi còn tình trạng triển khai các dự án manh mún, dàn trải trong cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, do còn tâm lý cào bằng và cả quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng qua khảo sát tại một huyện ở khu vực Tây Nguyên, cả nhiệm kỳ được phân bổ 200 tỷ đồng nhưng có đến 400 dự án. Đối với cùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phân bổ vốn manh mún cho một dự án hạ tầng thì khó phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, phải mất vài tháng, thậm chí một năm mới có thể hoàn tất 400 bộ hồ sơ trong khi năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế là rủi ro rất lớn.

Sửa đổi Nghị định số 27/2022

Qua khảo sát tại 4 khu vực, qua các hội nghị trực tuyến và báo cáo của các địa phương về 3 Chương trình MTQG, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTGQ ghi nhận 339 vướng mắc từ cơ sở.

Cũng qua khảo sát tại địa phương, Phó Thủ tướng nêu thực tế tỉ lệ giải ngân vốn địa phương cao hơn gấp đôi vốn Trung ương (98,9% so với 44,6% tính đến ngày 31/1/2023). Điều đó cho thấy những việc thuộc thẩm quyền địa phương được giải quyết rất nhanh trong khi quy định sử dụng vốn Trung ương thì còn nhiều vướng mắc. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên là phải hoàn thành hệ thống văn bản hướng dẫn hoàn chỉnh mới có thể triển khai Chương trình theo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Thôn tin về việc sửa đổi Nghị định số 27/2022, Phó Thủ tướng cho biết cho hay sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc như tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn; bổ sung nguồn vốn đối ứng 10% trường hợp dự án kéo dài; quy định về làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ hộ gia đình; quy định chi tiết thủ tục hỗ trợ, đảm bảo cơ chế triển khai dự án. Theo đó:

Thứ nhất, đấy sẽ là căn cứ pháp lý để giúp các địa phương lồng ghép nguồn vốn nhằm gia tăng nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, manh mún.

Thứ hai, có cơ chế thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp trung hạn thực hiện các Chương trình MTQG cho các địa phương để các địa phương chủ động cân đối.

Thứ ba, quy định chi tiết quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ gia đình để có đất ở theo tiêu chuẩn.

Thứ tư, về thủ tục hỗ trợ phát triển, Nghị định sửa đổi sẽ quy định quy trình chi tiết để thực hiện cơ chế triển khai một số dự án, tiểu dự án.

Thứ năm, Nghị định sẽ đẩy mạnh phân cấp để các địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ mà chỉ có địa phương mới biết phải làm như thế nào là đúng nhất.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV