- Đầu những năm 1980, đã có những làn sóng người xin tị nạn lên tới đỉnh điểm tại châu Âu tương ứng với cuộc xung đột Bosnia, chiến tranh Afghanistan và bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, EU không bao giờ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về chia sẻ gánh nặng. Thụy Điển, Đức, Anh, Pháp, Italia và Hà Lan thường xuyên nhận khoảng 3/4 tổng số đơn tị nạn.
Mặc dù luôn nhận số lượng tương đối lớn người tị nạn, nhưng Anh khác xa các nước trong khối. Gần đây, hơn 2/3 số đơn xin tị nạn tại EU được nộp ở Đức, Thụy Điển, Italia và Pháp. Từ 1995-2000, Anh cùng với Pháp và Italia có số xin tị nạn tính trên triệu dân cư thấp hơn một số nước thành viên châu Âu nhỏ hơn như Thụy Sĩ hay Thụy Điển.
Tuy nhiên, trong lúc này, sự thiếu vắng chia sẻ gánh nặng đã dẫn tới những tổn thất nghiêm trọng về sinh mạng con người cũng như tạo ra áp lực lớn với các nước tiếp nhận người tị nạn ở EU. Kết quả là, EC đưa ra đề xuất về cơ chế chia sẻ gánh nặng. Theo Chương trình nghị sự về di cư, 40 ngàn người Syria và Eritrea tới Italia và Hy Lạp sau ngày 15/4/2015 "cần sự bảo trợ quốc tế" sẽ được tái phân bổ các nước thành viên khác của EU trong hai năm tới.
EC cho hay, con số này tương đương với 40% tổng số người tìm kiếm tị nạn "rõ ràng cần sự bảo trợ quốc tế" đến hai quốc gia này trong năm ngoái. Ngân sách EU sẽ sẽ cung cấp 6.000 euro cho mỗi người tị nạn được tái phân bổ cho hai nước này. Chương trình cũng mong muốn Đức tiếp nhận 18% trong số 40 ngàn đơn xin tị nạn, Pháp và Italia là 14% mỗi nước, Thụy Điển la 3%. Phần còn lại thuộc về các thành viên khác.
Trong số 40 ngàn người, 24 ngàn sẽ rời Italia và 16 ngàn người khác rời Hy Lạp. Cơ sở cho việc tái định cư dựa vào quy mô kinh tế từng nước, tỉ lệ thất nghiệp, tổng dân số cũng như số lượng người tị nạn mà nước đó đã tiếp nhận. Sau nhiều năm, người ta có thể hy vọng về một cơ chế chia sẻ gánh nặng có tính ràng buộc.
Cần xoá bỏ “nguyên tắc nước EU đầu tiên"
Anand (không phải tên thật) từng theo học ngành quản trị kinh doanh. Anh không nói được tiếng Hungary và cũng không định học ngôn ngữ này. Thực ra, anh không có ý định sống ở Hungary. Tuy nhiên, anh đã có 4 tháng ở trung tâm tiếp nhận Bicske, cách phía tây Budapest 40km, và không rõ khi nào sẽ ra đi.
Anh là người tìm kiếm tị nạn đến từ Syria. Anand đã cố gửi đơn xin tị nạn tại Đức, nơi có em trai đang theo học. Anh đã có 7 tháng ở Frankfurt chờ đợi cho tới khi Đức bác đơn và gửi anh trở lại Hungary, nơi đầu tiên ông xác thực vân tay.
Đây chính là lý do tại sao hàng ngàn người tị nạn/di cư trong những ngày qua ở
Hungary từ chối di chuyển về các trung tâm tiếp nhận mà di chuyển hẳn về thủ
đô Budapest, chấp nhận cuộc sống màn trời chiếu đất ở ga tàu hoả Keleti để chờ
dịp sang Áo hoặc Đức. Họ không muốn bị đăng ký đơn xin tị nạn và lấy dấu vân tay
ở Hungary.
Liên quan đến nguyên tắc này, tờ Guardian ngày 7/10/2011 dẫn lời ông Nick Clegg - Phó Thủ tướng Anh - khi ông này so sánh ý tưởng chia sẻ gánh nặng như "một
kiểu chuyển qua chuyển lại một bưu kiện". Có thể ông Clegg đã không nhận ra là
chuyện "chuyển bưu kiện" - chính xác là điều xảy ra với Anand - vốn là thực tiễn
lâu nay ở châu Âu.
Đó chính là "nguyên tắc nước EU đầu tiên" theo Quy chế Dublin III được phê chuẩn năm 2013. Theo đó, nước thành viên đầu tiên nơi người tìm kiếm tị nạn đến và đăng ký dấu vân tay sẽ chịu trách nhiệm xử lý đơn xin tị nạn. Trên cơ sở nguyên tắc này, Đức, Anh, Ireland và các nước khác đã trả lại hàng ngàn người xin tị nạn về Hy Lạp, Italia hoặc Hungary trong vài năm qua.
Do vậy, nguyên tắc này không chỉ đẩy mọi gánh nặng lên vai Hy Lạp và Italia (Hungary đã khéo léo đẩy gánh nặng này đi nhanh hơn rất nhiều), nó còn làm suy yếu nỗ lực chia sẻ gánh nặng.
Bằng cách đề nghị các thành viên đứng lên chia sẻ, Chương trình nghị sự cũng thay thế "nguyên tắc nước EU đầu tiên". Nếu nguyên tắc này được bãi bỏ, nó sẽ giải quyết một phần quan trọng gánh nặng quá tải với một số quốc gia phải đối mặt. Tính đến tháng 7/2014, riêng Italia đã phải xử lý 43.883 đơn xin tị nạn và Hy Lạp là 22.200 đơn, theo dữ liệu của UNHCR.
Thông tin đăng trên trang web về tin tức và phân tích nhân đạo IRIN ngày 15/10/2012 cho biết, Hy Lạp đã có 810.000 người di cư bất thường - một con số vượt quá khả năng của một Hy Lạp đang gặp bất ổn tài chính hiện nay. IRIN cũng ước tính vào tháng 10/2012, có 30.000 đơn xin tị nạn trong hệ thống chưa được quyết định.
Italia cũng không khá hơn. Năm 2012, hơn 15.000 người tìm kiếm tị nạn hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở một nước Tây Âu khác vẫn kẹt lại Italia (theo tờ Spiegel). Ở cả Hy Lạp và Italia, những người xin tị nạn chưa được xử lý đơn từ đang mắc kẹt trong các khu trại tồi tàn hay vất vưởng trên đường phố.
Từ đó đến nay, tình hình không cải thiện được bao nhiêu. Tình hình của người tìm
kiếm tị nạn và tị nạn tại Hy Lạp được mô tả năm 2013 là "kinh khủng" (Human
Rights Watch) và đầu năm 2015 là "tồi đến mức ai cũng muốn tìm đến Italia" (tờ
Telegraph).
Câu chuyện vi phạm nhân quyền như thế trên đất EU là lý do thích hợp để các nước
thành viên trong khối chia sẻ gánh nặng với Hy Lạp và Italia. Suy cho cùng, đây
thực sự là vấn đề của châu Âu khi hầu hết người di cư sống sót qua cuộc vượt
biển đều mong muốn nộp đơn xin tị nạn ở một nước EU khác chứ không hẳn là
Italia, Hy Lạp, hay Hungary.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ gánh nặng sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng xã hội, như
chuyện bài ngoại ở Hy Lạp. Sau khi đặt tất cả lên bàn cân, chia sẻ gánh nặng
bằng cách phân bổ lại người xin tị nạn sang nước EU khác là điều đúng đắn mà
khối này cần làm. Hơn bao giờ hết, nguyên tắc "nước EU đầu tiên" không còn phù
hợp với tình hình tị nạn đang thay đổi nhanh chóng.
Vũ Thị Hương Giang - (Đại học Trung Âu, Budapest - Hungary) - Thái An (biên dịch)
Kỳ cuối: Nỗi khổ châu Âu: Nhận hay chối bỏ tị nạn?