Lời toà soạn: Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ kỷ niệm 20 năm giải thưởng Sao Khuê vào ngày 28/4/2023 vừa qua. VietNamNet xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
Một giải thưởng mà qua được 20 năm là một giải thưởng có uy tín và có sức sống. Giải thưởng Sao Khuê đã đi qua 20 năm, sức sống của nó thật là mạnh mẽ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên, năm nay tròn 20 năm!
Giải thưởng Sao Khuê có sức sống vì nó luôn bám sát cuộc sống, bám sát sự vận động, bám sát sự thay đổi của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.
Những năm gần đây, Giải thưởng Sao Khuê đã theo sát sự chuyển đổi từ công nghệ thông tin (CNTT) sang công nghệ số (CNS), từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số (CĐS), từ gia công sang Make In Vietnam, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ hệ thống CNTT riêng lẻ sang điện toán đám mây, từ thị trường trong nước sang thị trường nước ngoài. Và đặc biệt là sự chuyển đổi từ CNTT là công cụ hỗ trợ sang CNS là công cụ sản xuất chính, là lực lượng sản xuất cơ bản.
Sức sống của Giải thưởng Sao Khuê là bắt nguồn từ sức sống của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam. 20 năm tăng trưởng gần 300 lần là câu chuyện thần kỳ chưa từng có ở nước nào. Chúng ta, những người hôm nay ngồi đây, đã có may mắn là một phần của sự thần kỳ đó, may mắn được sống trong giai đoạn thần kỳ đó và cũng góp phần tạo ra sự thần kỳ đó.
Giải thưởng Sao Khuê có được thành công là nhờ vào sức sống mạnh mẽ của ngành CNTT thì cũng phải có trách nhiệm góp phần tạo thêm sức sống cho nó. Một giải thưởng mà uy tín thì luôn tạo ra sự khích lệ mạnh mẽ cho phát triển.
Bởi vậy, Giải thưởng Sao Khuê phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, phải uy tín hơn nữa. Uy tín phải là thương hiệu chính của Sao Khuê. Uy tín của Sao Khuê cũng chính là uy tín của ngành CNTT Việt Nam, của công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Uy tín và danh giá của Giải thưởng Sao Khuê sẽ là sự đóng góp lớn cho phát triển ngành CNTT, CNS nước nhà.
Phía sau mỗi giải thưởng thường là một câu chuyện sinh động, có thể truyền đi những thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc, có thể thay đổi được ai đấy ở ngoài kia. Kể được câu chuyện này đến cộng đồng CNTT, CNS nước nhà nên là một nhiệm vụ của Giải thưởng Sao Khuê.
Giải thưởng thì mang về nhà, còn câu chuyện thì đi ra rộng mãi. Giải thưởng thì để trong nhà, còn câu chuyện thì để trong dân, trong cuộc sống. Giải thưởng thì cho mình, còn câu chuyện là cho mọi người. Giải thưởng là đỉnh vinh quang, còn câu chuyện là khởi tạo những đỉnh vinh quang mới. VINASA phải làm cho báo chí, truyền thông kể được các câu chuyện phía sau mỗi giải thưởng, đó mới là sự lan toả, sự toả sáng của các ngôi sao.
10 năm tới của phần mềm Việt Nam, của Sao Khuê sẽ là gì? Liệu chúng ta sẽ tiếp tục tôn vinh việc làm ra và đi bán các phần mềm như trước đây nữa không? Có thể sẽ vẫn tiếp tục là như vậy, nhưng mục đích sau cùng của nó phải là tạo ra sự phát triển của kinh tế số (KTS), tức là nó phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI này.
Phần mềm Việt Nam phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước. Phần mềm bây giờ là trí tuệ nhân tạo, là thông minh hoá. Nếu nó được cấy vào mọi công cụ, mọi hoạt động kinh tế, nó sẽ tạo ra động cơ tăng trưởng ở khắp mọi nơi.
Giải thưởng Sao Khuê phải tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ và những doanh nghiệp CNTT, CNS đã góp phần tạo ra tăng trưởng KTS trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào KTS. Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam. KTS phát triển với tốc độ 3-4 lần cao hơn tăng trưởng GDP, và sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025. Phát triển KTS đã trở thành chiến lược quốc gia.
Nói đến KTS là nói đến tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. Dữ liệu là yếu tố sản xuất hoàn toàn mới, trong kinh tế số thì nó không khác gì đất đai, vốn và lao động.
Nói đến KTS là nói đến khu vực lõi của nó, bao gồm cả công nghệ, công nghiệp và dịch vụ về điện tử, viễn thông, Internet, CNTT và CNS. Khu vực này là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế số, mặc dù về dài hạn nó chỉ chiếm 20% KTS.
Nói đến KTS là nói đến CĐS các ngành. CĐS các ngành sẽ tạo ra KTS của các ngành. KTS ngành sẽ chiếm tới 70-80% của KTS. CĐS các ngành, KTS của các ngành phải là trọng tâm của phát triển KTS.
Nói đến KTS là nói đến CĐS các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là thành phần năng động nhất của nền kinh tế. Chuyển đổi số khu vực này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Nói đến KTS là nói đến quản trị số. Đó là chính phủ số, là đô thị thông minh.
Như vậy là Giải thưởng Sao Khuê đã có trọng tâm là phát triển KTS, nhưng cái trọng tâm này lại rộng lớn hơn bao giờ hết, vì nó bao phủ toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất tới thương mại và tiêu dùng, và trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi người dân. CĐS là toàn dân và toàn diện.
Một đồng chí Thứ trưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông làm Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Giải thưởng Sao Khuê là thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm sâu sắc, sự bảo trợ, sự trợ giúp, sự cam kết mạnh mẽ, sự đồng hành và định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, không chỉ đối với chương trình Sao Khuê mà là đối với cộng đồng doanh nghiệp, đối với sự phát triển của ngành CNTT, CNS nước nhà nói chung, công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT nói riêng.
Bộ Thông tin và Truyền thông luôn là nhà, là chỗ dựa, là nơi tìm đến mỗi khi doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn hoặc cần đến.
Một lần nữa xin được chúc mừng 20 năm Giải thưởng Sao Khuê và chúc mừng Trao giải Sao Khuê năm 2023! Chúc 10 năm tới của Giải thưởng Sao Khuê sẽ tôn vinh những sản phẩm và dịch vụ CNTT, CNS tạo ra động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng