|
Suy thoái cũng là cơ hội lớn cho ngành CN phần mềm Việt Nam |
Liệu mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT của Việt Nam có thể trở thành hiện thực trong lĩnh vực phần mềm? Đó là câu hỏi được đặt ra trong hội thảo “Thách thức và triển vọng năm 2009 đối với phần mềm Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) và Bộ TT&TT tổ chức diễn ra ngày 23/4 vừa qua.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty phần mềm TMA:
Cơ hội: Đội ngũ nhân lực trẻ
Việt Nam còn thua xa Ấn Độ và Trung Quốc rất nhiều. Nhưng thị trường phần mềm rất lớn, nên mình có cơ hội. Nếu Việt Nam đạt 5% thị trường gia công phần mềm thế giới đã là tốt rồi.
Để cạnh tranh được trong lĩnh vực phần mềm trên thị trường quốc tế, đòi hỏi chi phí đầu tư cho kinh doanh rất lớn, trong khi đó đa số doanh nghiệp phần mềm (DNPM) Việt Nam có quy mô nhỏ. Về hạ tầng, giá đường truyền Internet vẫn cao mặc dù đã giảm rất nhiều.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm không chỉ là rẻ, quan trọng hơn là chúng ta có đội ngũ nhân lực trẻ. Mặc dù chất lượng còn chưa cao, nhưng với 5-10% số lượng nhân lực đạt chất lượng đã là con số rất tốt, có thể tạo cơ hội cho Việt Nam làm gia công ở mức nghiên cứu và phát triển (R&D). TMA hiện có một số khách hàng làm R&D. Một doanh nghiệp khác đang làm ăn tại Việt Nam là công ty Harvey Nash (Anh) đã thuyết phục được hãng Alcatel-Lucent đưa các dự án R&D trong lĩnh vực viễn thông sang Việt Nam. Trong tương lai, nhu cầu về các dự án R&D chuyển về Việt Nam chắc chắn sẽ nhiều lên.
Để tận dụng xu hướng này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị phục vụ việc làm R&D cho nước ngoài, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 7-10% doanh thu của họ tại Việt Nam cho R&D.
Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty phần mềm Việt (Vietsoftware):
Phần mềm Việt Nam quá nhỏ bé
Một số thành công ở những lĩnh vực như di động, mặc dù chỉ là dịch vụ rất cơ bản, đem lại cho chúng ta cảm giác ngành CNTT đang lên, nhưng thực sự không phải như vậy. Chúng ta vẫn chỉ là nơi tiêu dùng sản phẩm CNTT của thế giới.
CNTT Việt Nam còn quá nhỏ bé trong đóng góp vào GDP đất nước. Môi trường kinh doanh và đầu tư vẫn còn bất cập. Ở Việt Nam hiện tại chỉ có vài nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT. Những chính sách hỗ trợ cho ngành phần mềm còn chậm và thiếu hiệu quả. Ví dụ, chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng với DNPM, Hà Nội hiện có 3 trung tâm phần mềm (số 2 Chùa Bộc, 152 Thụy Khuê, 185 Giảng Võ) có chức năng hỗ trợ mặt bằng cho DNPM nhưng hiện giờ đều trở thành những nơi cho thuê bình thường, không có ưu đãi gì với DNPM.
Để giải quyết vướng mắc của ngành phần mềm, trước tiên cần khẩn trương điều tra khảo sát đưa ra bức tranh tổng thể và trung thực về thực trạng ngành phần mềm Việt Nam; Lập hội đồng tư vấn quốc gia về phát triển ngành, quy tụ những chuyên gia và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm đóng góp ý kiến…
Ông Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty phần mềm CMC (CMC Software):
Có chiến lược tạo dựng thương hiệu phần mềm Việt Nam
Để các DNPM Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, việc cấp bách và quan trọng hiện nay là xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Việc phát triển này cần do Bộ TT&TT chủ trì, với sự hỗ trợ và phối hợp của các hiệp hội, doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể để xây dựng được một số DNPM chủ lực làm nền tảng trụ cột và phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét ưu đãi phần mềm xuất khẩu cũng như phục vụ nội địa, DNPM ngoài khu công nghệ cao cũng được hưởng chính sách như doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa):
Tận dụng thời cơ
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang dẫn đến sự đình trệ sản xuất ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong cơn xoáy của cuộc khủng hoảng bởi là nước dựa vào xuất khẩu. Điều này đang đẩy ngành phần mềm Việt Nam vào khó khăn. Ngành nội dung số gần đây tăng trưởng nhanh hơn tất cả các ngành khác. Tuy nhiên lại là những ngành mới đang phát triển, chủ yếu dựa vào các nhà đầu tư. Trong khi các nhà đầu tư thắt chặt hầu bao, ngành nội dung số Việt Nam hiện vẫn chưa thu được lợi nhuận nên trong thời gian tới có thể sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng do thiếu đầu tư.
Về xuất khẩu phần mềm, nhiều khách hàng đang tập trung lo bảo vệ đội ngũ lập trình viên của họ. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng không còn tiền thanh toán, nhiều hợp đồng bị cắt ngang. Vì vậy ngành phần mềm đang bị ảnh hưởng toàn diện. Đà tăng trưởng đang từ 40% trong các năm trước đã giảm xuống 20% trong năm 2008 và dự báo xuống dưới 10% trong năm 2009.
Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái, cũng có cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhiều khách hàng nước ngoài đang hướng đến Việt Nam như là lựa chọn chuyển dịch cần thiết cho việc cắt giảm chi phí thay thế cho Trung Quốc và Ấn Độ. Hai là xu hướng điện toán đang chuyển sang điện toán đám mây. Trong cuộc cạnh tranh này, tôi thấy Việt Nam có lợi thế giá rẻ hơn 30% so với Trung Quốc và Ấn Độ. Trong giai đoạn khủng hoảng, các DNPM nên tập trung vào chuẩn bị sản phẩm mới, nâng cao sự cạnh tranh nội tại của chính mình cho tương lai. Việc dịch chuyển hướng ngành phần mềm sang hướng dịch vụ, nghiên cứu trong thời điểm này rất quan trọng, có thể mang lại cơ hội bứt phá cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tập trung đầu tư vào giáo dục là cách đầu tư tốt cho tương lai.
Phần mềm Việt Nam so với Ấn Độ và Trung Quốc
Theo thống kê của Hiệp hội DNPM Việt Nam (Vinasa), toàn ngành phần mềm hiện có 800 doanh nghiệp, 45.000 nhân lực; doanh thu toàn ngành năm 2008 đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 20%. Trong năm 2008, cả nước có 15.000 sinh viên CNTT đại học tốt nghiệp, tăng 50%, 10.000 sinh viên CNTT cao đẳng tốt nghiệp, tăng 100% so với năm 2007. Vinasa dự báo năm 2009 ngành phần mềm chỉ tăng trưởng khoảng 10%.
Trong khi đó, ngành phần mềm Trung Quốc đạt doanh thu 110 tỷ USD năm 2008, tăng 29,8%. Ấn Độ cũng tăng tới 24,4%, đạt 52 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc có 2 triệu nhân lực làm phần mềm.
(ghi)
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 27/4/2009