|
Nhiều ứng dụng, phần mềm hay vẫn chưa được triển khai trong khối cơ quan Nhà nước chỉ vì sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet). |
>> Phần mềm tốt, nhưng "đất hẹp" vì "dưới cơ" / Duy nhất một phần mềm đạt Sao Khuê 5 sao năm 2012
Vì sao cơ quan Nhà nước lắc đầu?
Với hàng loạt ưu điểm vượt trội như giúp các chính quyền địa phương thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động và lập hồ sơ địa chính chính xác theo quy định của ngành Tài nguyên và Môi trường; liên thông trực tiếp với cơ quan thuế và kho bạc; giúp người dân tra cứu trực tiếp hồ sơ đất đai công khai, minh bạch, qua đó giảm thiểu các vụ khiếu kiện,… Hệ thống thông tin quản lý đất đai của Công ty TNHH Nhân Ý đã được công nhận Giải thưởng Sao Khuê 5 sao.
Tuy nhiên, do được thiết kế để chuyên phục vụ khối cơ quan Nhà nước, hệ thống đó đã vấp phải khá nhiều lực cản trên hành trình “đi vào cuộc sống”.
Ngay tại Lễ trao giải Sao Khuê 2012, bà Phạm Thị Phương Lan - Giám đốc Công ty Nhân Ý đã chia sẻ với phóng viên ICTnews về nỗi khổ "đất dụng võ" của phần mềm này chỉ bó hẹp ở hơn 10 quận, huyện tại TP.HCM. “Chúng tôi đã tiếp cận và giới thiệu sản phẩm của mình tại Hà Nội và các tỉnh khác. Các địa phương đều công nhận phần mềm rất tốt, ưu việt hơn cả các phần mềm do Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng, triển khai nhưng để sử dụng thì còn vấp phải nhiều lực cản từ cơ quan Nhà nước. Nhưng nhiều Bộ, ngành trong đó có cả Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng thành lập các trung tâm tin học làm ra phần mềm chuyên ngành rồi dùng uy tín của cấp trên để "đi xuống" đơn vị cấp dưới ở địa phương. Nhiều đơn vị muốn sử dụng phần mềm của Nhân Ý song vẫn e ngại. Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh không bình đẳng”.
Những tưởng danh hiệu Sao Khuê 5 sao có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt lực cản cạnh tranh không bình đẳng nêu trên song tại buổi Tọa đàm “Sao Khuê - 10 năm tỏa sáng” do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức sáng 21/4/2013, bà Phạm Thị Phương Lan lại thêm một lần cất lời “kêu cứu”.
Bà Lan cho biết: “Sau khi đạt Giải thưởng Sao Khuê 5 sao, danh tiếng của sản phẩm lan đi rất nhanh, nhiều đơn vị còn đến thăm công ty để tìm hiểu thêm. Thế nhưng, việc đưa sản phẩm vào ứng dụng tại khối cơ quan Nhà nước vẫn rất khó khăn khi chúng tôi phải cạnh tranh với chính những đơn vị chuyên trách CNTT trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, mặc dù có những đơn vị 10 năm rồi chưa triển khai được sản phẩm ứng dụng tương tự. Khi Nhân Ý đưa ra Hệ thống thông tin quản lý đất đai, các đơn vị thụ hưởng đều rất thích nhưng cuối cùng chỉ dừng ở mức tham khảo sau khi đặt câu hỏi “Nhà nước hoặc Bộ ngành đã công nhận và chấp nhận triển khai rộng sản phẩm này hay chưa"".
Một nguồn tin cho hay ngay cả TP.HCM cũng đang cân nhắc xem có tiếp tục triển khai Hệ thống thông tin quản lý đất đai của Công ty Nhân Ý hay không khi Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có chủ trương triển khai một phần mềm tương tự.
Tìm đâu lối thoát?
Nghe câu chuyện “kể khổ” nêu trên, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) thừa nhận đúng là đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp chủ quản với các doanh nghiệp khác trong việc đưa sản phẩm ứng dụng CNTT vào cơ quan Nhà nước, đây là một hiện trạng rất khó giải quyết.
Bản thân từng nhiều lần tham gia tổ chức Giải thưởng Sao Khuê, TS. Mai Liêm Trực chia sẻ rằng nhiều người vẫn hô hào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, nhưng điểm lại nhiều dự án lớn vẫn toàn dùng hàng ngoại, một phần vì có những mảng phần mềm nội chưa đáp ứng được yêu cầu như phần mềm ngoại, song tâm lý “sính ngoại” cũng là một lý do đáng kể.
Với góc nhìn của người trong cuộc, bà Lan đề xuất một giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn trong việc phát huy hiệu quả của phần mềm, dịch vụ CNTT trong đời sống xã hội, đó là Ban Tổ chức Giải thưởng Sao Khuê cần xúc tiến làm việc với các Bộ, ban, ngành để đưa sản phẩm đạt giải vào ứng dụng thực tế.
Còn theo TS. Mai Liêm Trực, các cơ quan Nhà nước và tổ chức hiệp hội doanh nghiệp như VINASA phải tăng cường khuyến nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là khối cơ quan Nhà nước sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đã đạt Giải thưởng Sao Khuê.
Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan thì cả hai khuyến nghị vừa nêu đều chưa đủ sức gỡ bỏ lực cản cạnh tranh không lành mạnh.