Thấy vậy con trai anh hỏi, sao phải làm thế hả bố? Sao không vứt quách đi, để lại cho nó rác nhà ra rồi mẹ lại mắng cho?
Vì sao khó phân loại rác thải?
Trước thắc mắc của con trai, anh Dũng nhẹ nhàng giải thích: “Trong pin có nhiều chất độc hại, nếu vứt bừa bãi ra môi trường thì các chất này sẽ ngấm vào đất và sẽ cần rất nhiều năm để xử lý. Ví dụ, chất chì có trong pin khi ngấm vào đất, rau chúng ta ăn sẽ nhiễm chì và con người chúng ta sẽ mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm lắm”.
Nói là vậy, nhưng anh Dũng thừa nhận việc phân loại từng loại rác thải có thể tái sử dụng, chất thải độc hại, chất thải vô cơ với hữu cơ trong mỗi gia đình nói chung và trong chính gia đình anh nói riêng đang… gặp khó. Khó vì phân loại, khó vì cách nhân viên vệ sinh thu gom và khó vì thói quen không phân loại rác của hàng xóm.
“Gia đình tôi ở chúng cư, trong phòng rác mỗi tầng thường có 2 thùng rác: Vô cơ (màu xanh) và hữu cơ (màu vàng). Sai con đi đổ rác lần nào tôi cũng dặn con, rác vô cơ là thùng rác chứa những thứ “không có cơ thể sống”, còn rác hữu cơ là thùng rác chứa những thứ “có cơ thể sống”. Ví dụ, nilon, nhựa, thủy tinh… là vô cơ; rau, cơm thừa, vỏ trái cây… là hữu cơ.
Không được vứt bừa bãi, thậm chí những thứ có thể tái tạo hoặc bán ve chai được (như vỏ chai, vỏ lon, giấy vụn…) thậm chí là quần áo cũ có thể làm rẻ lau các con nên để các túi riêng, ghi giấy bên ngoài để các cô lao công có thể tận dụng bán góp phần bảo vệ môi trường”, anh Dũng nói.
Tuy nhiên cũng theo anh Dũng, nhiều lần con đi đổ rác là các cháu lại… "cáu". “Có hôm con chạy về nhà lấy điện thoại rồi chụp hình những túi rác bị hàng xóm vứt bừa bãi ngay cửa phòng rác. Có hôm hoặc rác hữu cơ và vô cơ bị ném chung vào các túi, hoặc ném lộn xộn vào nhau khiến các con nói với tôi: bố bảo chúng con phân loại rác nhưng con nghĩ… “chẳng có tác dụng gì đâu”.
Một mình nhà mình làm, khác gì “muối bỏ bể”. Nghe con nói vậy tôi cũng chỉ biết ậm ừ, bảo các con: “Nếu không bắt đầu từ mỗi nhà thì bắt đầu từ đâu, hy vọng các nhà khác cũng sẽ thay đổi thói quen””, anh Dũng trăn trở.
Phải phân loại và tái chế rác thải bằng được
Cũng tiếp mạch câu chuyện gia đình nhà anh Dũng, có hôm đang ngồi xem Tivi con gái anh Dũng cho anh xem 1 clip trên TikTok về cách người Nhật xử lý dầu ăn thừa sau khi chiên nấu. Cụ thể, người Nhật có thứ bột đổ vào dầu ăn thừa, dầu ăn sẽ đóng lại thành bánh và triệt tiêu được chất độc hại để có thể bỏ vào thùng rác tập trung được.
“Cách bố cho dầu ăn thừa vào những túi bóng bọc kín hay cách nhà bạn Duyên lớp con đổ thẳng dầu/mỡ thừa xuống cống mà bố bảo sẽ tắc cống ấy đều… sai cả. Họ văn minh bố nhỉ? – cách cảm thán của con khiến tôi chỉ biết ậm ừ, thì người Nhật phát triển hơn chúng ta mà con”, anh Dũng nói.
Cũng theo anh Dũng, hằng ngày đi làm qua dòng sông Cầu Bây và sông Tô Lịch, nhìn dòng nước đen ngòm chứa hàng tỉ chất độc hại cùng mùi xú uế từ dòng nước đen bốc lên khiến anh “rùng mình”. Giấc mơ hồi sinh những dòng sông chết của Hà Nội dường như ngày càng xa vời khi các dự án thu gom nước thải vẫn đang chậm tiến độ hàng chục năm trời.
“Trong đám nước thải kia là nước bể phốt, nước thải vệ sinh, nước dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa đủ cả. Vậy mà nó được phát tán thẳng ra môi trường, chảy xuôi về các khu ngoại thành – nơi trồng rau phục vụ cư dân thành phố - rồi chúng ta lại ăn rau tưới từ nước thải kia. Tôi thực sự không dám nghĩ tiếp, khi thấy vì sao số người bị ung thư hay ngộ độc thực phẩm ngày một nhiều”, anh Dũng lo lắng.
Từng đi công tác ở nhiều nước có công nghệ thu gom và tái chế rác thải, thu gom và xử lý nước thải rất tốt, anh Dũng và nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm áp dụng. Bởi chỉ có phân loại và tái chế rác thải thành công thì môi trường sống của người dân mới được cải thiện, chất lượng sống của người dân mới được nâng cao thay vì “sống chung” với rác thải ở nhiều cấp độ như hiện nay.