- Dự án xây dựng bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của người dân. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên sẽ làm mất đi mĩ quan, không gian xanh vốn đang thiếu trầm trọng của thành phố.
>> Vì sao HN 'chọn' công viên xây bãi đỗ xe?
>> Xén công viên làm bãi đỗ xe: Đừng vội vàng!
>> Hà Nội cắt công viên Thống Nhất cho giao thông tĩnh?
>> Lấy đất công viên làm bãi đỗ xe
Đừng làm kinh tế trên những giá trị tinh thần!
Như VietNamNet đã đưa tin, những ngày qua, dư luận Thủ đô lại xôn xao khi thành phố cho phép Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đầu tư xây dựng bãi đỗ xe công cộng trong khuôn viên Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng. Hầu hết các ý kiến của người dân đều tỏ ra bất ngờ với quyết định này.
Trước đó, không ít chủ đầu tư cũng đã “xin” một suất “đất vàng” trong khuôn viên này để xây khách sạn, cao ốc, khu vui chơi giải trí... nhưng không được chấp thuận.
Quyết định lần này về việc “xẻ thịt” công viên Thống nhất tiếp tục bị người dân phản đối.
Công viên Thống Nhất từng nhiều lần suýt bị 'xẻ thịt' - (Ảnh: VietNamNet) |
Bạn đọc ở địa chỉ [email protected] chia sẻ trên báo VietNamNet: “Hà Nội ngày càng chật chội, đông đúc, chỉ còn công viên là diện tích công cộng để cho mọi người được vui chơi, giải trí, lấy đó làm chốn nghỉ ngơi giữa thành thị vậy mà cũng bị “xà xẻo”. Thật đáng buồn”.
Bạn đọc Đặng Đức Hiếu lại lập luận: “Với những vị trí đắc địa như vậy, chủ đầu tư chỉ dùng để phục vụ bãi đỗ xe trong thời gian một vài năm thôi. Sau đó, dự án này dần dần sẽ được xin chuyển đổi chức năng thành khách sạn, nhà hàng... cái đó thì đã được chứng minh qua các dự án sân gold rồi”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, độc giả Huỳnh Văn Bảy cho rằng: “Bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới cũng cần có công viên và không ngừng phát triển nó, chỉ có Việt Nam là chỉ tìm cách xén nó đi. Đặt bãi đỗ xe ngay tại công viên thì chắc chắn sẽ phá đi toàn bộ cảnh quan của công viên, nói một cách khác là bắt đầu quá trình xóa bỏ từng phần công viên Thống Nhất”.
“Cứ xin được “miếng đất” này rồi sẽ xin được miếng khác, lần lượt từng phần công viên Thống Nhất sẽ bị xóa sổ. Nhưng liệu sẽ cần đến bao nhiêu đất công viên mới đáp ứng được nhu cầu đỗ xe, và sau khi biến một phần công viên thành bãi xe thì vấn nạn thiếu bãi đỗ xe có được giải quyết? Hết công viên này sẽ đến lượt các công viên nào?”, một ý kiến khác cho biết.
Dù không phải là người Hà Nội nhưng độc giả Võ Hồng Lợi cũng tỏ ra bức xúc trước quyết định này: “Tôi ở Đăk Lăk nhưng đã có dịp đi du lịch vài lần ra Hà Nội. Tôi thấy công viên này thật đẹp và là một trong những "lá phổi sống" giữa lòng Hà Nội.
Để xây nhà xe trong khuôn viên này thì bản thân tôi nhận thấy cần phải cẩn trọng khi xây, chúng ta nên xem khi xây nhà xe nó có phá vở cảnh quan xung quanh hay không? Thuận tiện cho việc phục vụ người gửi xe hay không? Đem lại lợi ích công cộng lâu dài hay không? Ngay cả phương án xây này có bị lỗi thời trong vài năm tới khay không? Nếu các vấn đề đã được giải quyết thì ta cho tiến hành hoặc nếu không phải dừng lại”.
Hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh rằng: Không thể vì quyền lợi của một nhóm nhỏ người có ô tô mà phải hy sinh cảnh quan thành phố của hàng triệu người”.
“Đây là công trình được chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhân dân Thủ đô góp sức xây dựng, đã trở thành điểm nhấn văn hoá của người Hà Nội nhiều thế hệ. Cần duy trì, bảo tồn và nâng cấp công viên để phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân Thủ đô chứ không phải là khai thác giá trị kinh tế của nền đất công viên”, một người dân sống gần khu vực công viên Thống Nhất nhấn mạnh.
Xây dựng bãi đỗ xe công cộng: Không thiếu giải pháp khả thi
Một bạn đọc ở địa chỉ [email protected] cho rằng: “Xe gắn máy chiếm ít diện tích lại nhẹ, trong khi cứ dùng mặt bằng mãi cũng sẽ hết thì tại sao không sử dụng vùng không gian. Tức là xây bãi đỗ xe cao tầng. Phương pháp này tiết kiệm được rất nhiều diện tích”.
Bạn đọc Vũ Anh Hải cũng đề xuất: “Việc xây dựng các điểm, bãi đỗ xe tại các đô thị lớn là cần thiết. Điều đáng bàn ở đây là cần xây như thế nào để đảm bảo các yêu tố về kinh tế, cảnh quan và tiện lợi. Theo tôi, có thể xây dựng các bãi đỗ xe ngầm dưới công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ...nhưng không nên làm dưới các công viên lịch sử, công viên quá nhỏ như công viên Indira Gandhi. Các kiến trúc sư có thể xem xét phương án xây ngầm 3-4 tầng và nổi 3-4 tầng dưới dạng núi nhân tạo, phía trên trồng cỏ hoa, cây xanh và tạo lối đi dạo cho người dân. Hướng xe ra vào là phía ngoài đường. Như vậy sẽ đảm bảo được các yếu tố đã bàn ở trên”.
Nhiều độc giả đồng tình với phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Nicname lanka chia sẻ: “Xây dựng công trình ngầm, vừa đỡ tốn diện tích, vừa khoa học. Hiện nay, các nhà máy chuyển ra ngoại thành, rồi một loạt những vị trí khác được di dời, tại sao không dành những vị trí đó để xây bãi đỗ xe?”
Bạn đọc ở địa chỉ [email protected] cho rằng: "Tại sao không xây dựng bãi đỗ xe ở khu đất trống ở ngoại thành nhỉ? Ở đây đất rộng lại không làm ảnh hưởng tới ai dù đi lại có hơi xa nhưng sẽ không làm mất mĩ quan đô thị. Xây dựng bãi đỗ xe ở đây sẽ giữ gìn được lượng cây xanh đã trồng, bảo vệ môi trường cho khu vực nội thành vốn đã chật chội, ô nhiễm".
"Tôi không đồng tình với việc sử dụng những quĩ đất như công viên, vườn hoa...để làm mục đích khác. Trong khi những diện tích đất hoang hóa, dự án treo vẫn còn nhiều. Tại sao không thu hồi những dự án này để phục vụ cho việc xây dựng bãi đỗ xe. Hà Nội đang dần mất đi những cái tên như làng hoa Ngọc Hà, vườn đào Nhật Tân... Rồi công viên Thống nhất, Hồ Tây tương lai cũng sẽ không còn nếu quy hoạch thế này", bạn đọc Hồng Quân bức xúc.
P.Lan (Tổng hợp)