Họp trực tuyến với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, chiều 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lực lượng chống dịch của thành phố khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô để khoanh vùng thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tiêm 836.000 liều vắc xin trong 5 ngày
Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, hàng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của TP.HCM tổ chức họp, tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên. Bắt đầu từ ngày 17/6, các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg cộng với một số biện pháp của thành phố.
Hiện có 7 doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM có ca mắc COVID-19. Phần lớn mỗi nơi chỉ có từ 1-2 ca mắc, chưa có dấu hiệu lây lan ra các nơi khác; có 2 doanh nghiệp có tính chất giống nhau (chế biến hải sản, công nhân làm việc chung trong môi trường không gian lạnh và kín) nên có số lượng ca mắc lớn hơn (6 và 11 ca)…
Những UBND cấp phường và cấp quận có ca nhiễm đã tạm ngừng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết một số DN hoạt động trong KCN đã ghi nhận ca nhiễm, đặc biệt ở nhà máy chế biến thuỷ, hải sản có mật độ công nhân làm việc rất đông.
Dự kiến, TP.HCM sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả các nhà máy, DN hoạt động trong KCN. Những nhà máy, DN lớn cần có phương án bố trí cho bộ phận công nhân nòng cốt ăn ở, trong KCN hoặc quy trình khép kín từ nơi ở trọ, ký túc xá đưa đón đến nhà máy làm việc, sinh hoạt và đưa về.
Hiện tại TP.HCM đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải sẵn sàng trang thiết bị điều trị bệnh nhân phải thở máy, có diễn biến nặng.
Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca, ông Dương Anh Đức cho biết: “TP.HCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu mục tiêu năng suất tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19/6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu đơn/ngày”.
TPHCM lên kế hoach tiêm hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 trong 5 ngày. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhất thiết không được “khoanh rộng mà lỏng”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP.HCM là đô thị lớn, chính quyền, người dân đã trải qua quá trình thực tiễn chống dịch, vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong toả phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô, để khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.
TP.HCM đã qua 14 ngày giãn cách xã hội, phải khẩn trương điều tra dịch tễ, phân loại những khu vực được coi là đã an toàn hoặc sau khi tiếp tục thực hiện một số biện pháp thì xác định được là an toàn trong tình hình dịch bệnh dịch bệnh hiện nay thì có giải pháp để nới lỏng.
Ngược lại, những khu vực có nguy cơ thì phải siết chặt hơn nữa, không để tình trạng còn có tập trung đông người như nhân dân đã phản ánh; quy định rõ những khu vực công cộng không được tập trung đông người; kiểm soát các luồng giao thông từ những nơi có ổ dịch trong thành phố.
Tinh thần là không cào bằng hết tất cả, vì chúng ta phải phục vụ mục tiêu kép, kể cả trong chống dịch. Còn khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TPHCM phải “giữ bằng được” các KCN trước dịch bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phải giữ bằng được KCN
Đối với KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải “giữ bằng được” bằng những biện pháp rất mạnh tay. Thành phố cần tăng cường xét nghiệm, cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm trong 3 ngày đầu tiên, với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng lưu ý mặc dù năng lực xét nghiệm của TP.HCM rất tốt so với các tỉnh nhưng với dân số 10 triệu dân, có rất nhiều KCN, thành phố phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong KCN.
Đặc biệt, công tác điều phối xét nghiệm phải bảo đảm thống nhất giữa các đơn vị tham gia xét nghiệm, đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết bắt kịp tốc độ lây của dịch, tuyệt đối không để tình trạng xét nghiệm bị chậm, bị nhầm do công tác điều phối như đã xảy ra ở một số nơi.
Khi phát hiện ca nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp trong KCN, TP.HCM cần hết sức chú ý đến các khu công nhân ở trọ có mật độ rất dày đặc khi thực hiện khoanh vùng, cách ly, phong toả.
Trong thời gian tới, TP.HCM cần khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà bảo đảm an toàn chặt chẽ về y tế cũng như quyền riêng tư của người dân, phù hợp với điều kiện của thành phố trong tình huốngncó đông người bị nhiễm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày mai, 18/6, TP.HCM sẽ thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện cách ly F1 tại nhà; đồng thời sẽ tổ chức rà soát để bảo đảm an toàn trong khu cách ly tập trung, chống lây nhiễm chéo; tăng cường tiến hành rà soát ngoài cộng đồng, các KCN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải tập trung giãn tiếp mật độ trong các khu cách ly tập trung có ca nhiễm để chấm dứt ngay tình trạng lây nhiễm chéo. Ảnh VGP |
Chấm dứt lây chéo trong khu cách ly tập trung
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết những điểm nóng xung quanh các KCN ở Việt Yên đã được giải toả, làm sạch. Các ca nhiễm mới xuất hiện chủ yếu ở 25/286 khu cách ly tập trung, chủ yếu dành cho công nhân của công ty Hosiden, ở trọ tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên).
Tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục giãn mật độ ở các khu cách ly tập trung có ca nhiễm mới theo nhóm nguy cơ cao (1 người/phòng), nguy cơ trung bình (2-3 người/phòng), nguy cơ thấp (4 người/phòng). Bắc Giang cũng phân loại các khu cách ly tập trung theo màu đỏ (có ca nhiễm mới liên tục 2 ngày hoặc 1 ngày có nhiều ca nhiễm), màu vàng (đã từng có ca nhiễm), màu xanh (chưa có ca nhiễm), để tập trung kiểm tra, giám sát trọng điểm để hạn chế lây nhiễm chéo.
Tỉnh cũng tiếp tục động viên, quan tâm hỗ trợ những người phải cách ly dài ngày, có người đã 3-4 tuần; ưu tiên đưa một số nhóm đối tượng công nhân ngoại tỉnh về địa phương…
Đến nay Bắc Giang đã có 123 nhà máy với khoảng 2 vạn công nhân quay trở lại làm việc trong KCN. Các DN chấp hành đúng những quy định phòng, chống dịch theo hướng công nhân của DN nào thì cùng ở, cùng ăn, cùng đi làm việc theo ca, kíp. Vì vậy, có 3 công ty phát hiện 9 ca nhiễm nhưng không dẫn đến lây lan rộng. Bắc Giang cũng có bộ phận giám sát thường trực việc phòng chống dịch trong KCN.
Ngoài cộng đồng, Bắc Giang đã lấy 504.000 mẫu tầm soát ở những khu vực có nguy cơ, tập trung đông người như bến xe, chợ, chỗ có nhiều công nhân… khi phát hiện ca nhiễm mới tỉnh lập tức khoanh vùng rộng, cách ly hẹp, xét nghiệm tầm soát thần tốc, không để dịch lây lan.
Về công tác điều trị, Bắc Giang đã có 1.437 bệnh nhân xuất viện, 403 bệnh nhân âm tính lần 1, 341 người âm tính lần 2, 4 bệnh viện tuyến huyện điều trị sẽ được giải phóng để quay trở lại khám, chữa bệnh cho nhân dân…
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, trong 178 ca nhiễm được công bố hôm nay, có một số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính từ trước và được được đưa đi điều trị. Nguyên nhân là trong thời gian dịch bùng phát có nhiều đơn vị trung ương, địa phương đến hỗ trợ lấy mẫu, xét nghiệm, nhưng do việc kết nối, thống kê số liệu xét nghiệm giữa các đơn vị chưa thống nhất nên có những ca đã có kết quả xét nghiệm từ trước nhưng đến nay mới được công bố.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định tình hình dịch tại địa phương đang được kiểm soát tốt và mục tiêu khống chế hoàn toàn dịch bệnh trong một vài ngày tới vẫn đạt được. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát số liệu xét nghiệm, công bố tất cả những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm từ trước đó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải tập trung giãn tiếp mật độ trong các khu cách ly tập trung có ca nhiễm để chấm dứt ngay tình trạng lây nhiễm chéo.
Do tình hình dịch vào KCN, Bắc Giang cùng một lúc phải nhận chi viện từ hàng chục đơn vị Trung ương, địa phương để lấy mẫu, xét nghiệm nên sổ sách, bàn giao trong lúc cao điểm chưa tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải rà soát, làm rõ những ca dương tính từ nhiều ngày trước, đã được điều trị nhưng bây giờ mới công bố, trên tinh thần công khai, minh bạch.
Bắc Giang đã kiểm soát tình hình dịch bệnh tương đối tốt, phải phấn đấu đến ngày 21/6 phải kiểm soát tốt.
Phó chủ tịch TP.HCM thị sát chống dịch ở khu cách ly chuỗi ca Covid-19
Chiều 17/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đi kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở một số khu vực cách ly trên địa bàn quận Bình Tân, quận 8.
Theo Chinhphu.vn
- - Tài khoản số 0011002643148 , Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- - Bank account: 0011002643148 , Bank for foreign trade of Vietnam - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNVX.
- - Tài khoản Vietinbank: số 114000161718 , Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Đống Đa.
- - Bank account Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch, Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, Swift code: ICBVVNVX126
- - Toà soạn Báo VietNamNet: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 092 345 7788
- - Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam: số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 096 223 7788
Theo baochinhphu.vn