Tại buổi lễ kỉ niệm 71 năm ngày truyền thống ngành thông tin và truyền thông được tổ chức ngày 26/8, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, toàn ngành TT&TT Hà Nội đã không ngừng củng cố, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy. Hiện nay quy mô toàn ngành gồm: Sở TT&TT có 8 phòng ban chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 30 phòng Văn Hóa – Thông tin quận, huyện, thị xã; 25 cơ quan báo chí, 66 bản tin, 20 Đài phát thanh huyện, 584 Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; 294 trang thông tin điện tử tổng hợp; 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình cáp…
Cũng theo bà Tú, bước sang năm 2016, công tác triển khai ứng dụng CNTT được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất cơ sở hạ tầng. Từ đầu năm 2016, Sở TT&TT Hà Nội đã triển khai Phần mềm trực tuyến tuyển sinh đầu cấp; hoàn thiện triển khai và khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư cấp phấp phường, đồng thời triển khai 132 dịch vụ công mức 3 trên các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu bức thiết của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Trong thời gian tới, ngành TT&TT Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về TT&TT, tham mưu xây dựng và triển khai các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực TT&TT. “Sở sẽ xây dựng và phát triển hệ thống TT&TT cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố”, bà Tú cho biết thêm.
Ngoài ra, sắp tới, Sở TT&TT Hà Nội phát triển bưu chính, viễn thông Hà Nội đến năm 2020 bảo đảm dẫn đầu cả nước và ngang tầm các nước phát triển trong khu vực đồng thời xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin Thành phố làm nền tảng cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin để Hà Nội tiếp tục đi đầu về xây dựng Chính quyền điện tử , thành phố thông minh. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển bền vững, doanh thu cao với trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT” , bà Tú nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành TT&TT Hà Nội. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, ngành TT&TT Hà Nội cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ như chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuật lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong Ngành đầu tư phát triển đồng thời mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới, dịch vụ duy trì cạnh tranh lành mạnh trên thị trường theo đúng quy định của pháp luật. “Từ đó, góp phần làm cho ngành TT&TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.
Ngành TT&TT Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố theo hướng tập trung, thống nhất về cơ sở hạ tầng, về các ứng dụng dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch, lộ trình của Chính Phủ. “Hà Nội cần phát huy hiệu quả của các Khu công nghiệp CNTT trên địa bàn, trọng tâm là phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu cả nước”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết thêm.
Cuối cùng, cũng theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, ngành TT&TT Hà Nội cần chủ động phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực như thông tin điện tử, quản lý thuê bao di động trả trước…đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước từ thành phố đến cơ sở trên tất cả các lĩnh vực.