Lời tòa soạn

Việt Nam đã trải qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính, chia tách và sáp nhập tỉnh, thành nhằm đáp ứng quá trình phát triển và quản lý điều hành trong từng giai đoạn lịch sử.  

Lần này, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương sẽ thực hiện cuộc sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô toàn diện, sâu rộng ở cả cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, sẽ sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở). 

Nhìn lại quá khứ sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới.

VietNamNet thực hiện loạt bài "Sáp nhập tỉnh, nhìn lại quá khứ, vươn tới tương lai” nhằm chia sẻ một số góc nhìn cũng như kinh nghiệm hay, cách làm quý của những người đã có trải nghiệm qua những lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trước đây.

 

Có thể nói cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đã thực sự vào guồng, chỉ có tiến tới mà không có dừng. Không chỉ vì đó là công việc đã được đề ra từ Nghị quyết 18 của Trung ương nhiệm kỳ 12. Cũng không chỉ vì đó là ý chí cá nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm. Mà đó là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới, có thể đưa dân tộc Việt Nam viết tiếp những thành tựu mới trên hành trình khẳng định vị thế của mình.

Sau khi cơ bản hoàn thành việc sắp xếp cơ cấu nhân sự các ban, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, giờ là bước hai của cuộc cách mạng tinh gọn: sắp xếp các đơn vị hành chính. Cụ thể là sáp nhập các tỉnh, thành, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Không giống như câu chuyện đã từng diễn ra từ mấy mươi năm trước, những ngày này, chuyện nhập - tách các địa phương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, chi phối sự băn khoăn, suy nghĩ của nhiều người.

Mà tôi, cũng không là ngoại lệ!  

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, quãng thời gian đã đủ dài để một đứa trẻ 10 tuổi ngày ấy trở thành một người đàn ông 60 với mái đầu điểm bạc cùng những trải nghiệm khó quên về quê hương, đất nước mình trong hành trình thay đổi.

Thành thực mà nói, thế hệ chúng tôi ngày ấy, chả mấy ai hỏi tại sao lý lịch cá nhân của mình lại ghi quê quán là Nghĩa Bình, dù từ khi biết nói, mở miệng ra đứa nào cũng bảo “tao là dân Quảng Ngãi”.

Cũng chưa bao giờ thắc mắc vì sao lại có tỉnh Phú Khánh, tỉnh Thuận Hải. Rồi vì sao cả dải đất ven biển dài dằng dặc hơn 300km từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân phải gọi là Bình Trị Thiên… Trẻ con đã vậy, người lớn cũng chẳng khác là bao.

Họ còn bận lo cho cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn của gia đình, khi ngày công làm HTX nông nghiệp được đong bằng cân, bằng lạng. Họ cũng chẳng thắc mắc vì sao 2-3 tỉnh phải nhập làm 1. Vì đơn giản, đó là việc của nhà nước!

Họ không quan tâm bàn bạc, hay ý kiến gì về câu chuyện sáp nhập còn bởi ngày ấy, thông tin nào có được như bây giờ. Chỉ khi nào có việc phải lên huyện, coi như mất đứt một ngày. Còn lên tỉnh thì mất 2-3 ngày là chuyện thường.

Ngay như một sinh viên nghèo nhà ở nông thôn như tôi, những năm học Đại học Sư phạm Quy Nhơn, mỗi lần vào trường là má tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng nấu cơm. Ăn qua loa vài bát cơm của bà, ông anh đạp xe chở tôi cả chục cây số ra thị xã Quảng Ngãi, xếp hàng mua cho được tấm vé, rồi mất thêm 5-6 tiếng đồng hồ lắc lư trên ô tô khách vào thị xã Quy Nhơn ở tận cực nam của tỉnh Nghĩa Bình, cách nhà 180 cây số. 

Ra trường dạy học, rồi đi làm báo, dọc ngang khắp chốn, mới thấm cái khổ của người dân ở những huyện xa trung tâm như Minh Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Bình Trị Thiên, mất 2-3 ngày đường mới vào đến Huế để chứng nhận cho được cái giấy.

Cán bộ từ huyện lên tỉnh phải mang thùng xăng được cấp. Cán bộ tỉnh xuống công tác địa phương cũng vậy. Thế nên dân gian mới có câu “Tỉnh dài, huyện rộng, xã to. Tỉnh lo việc tỉnh, mình lo việc mình”, hay “Tỉnh về thì huyện mổ trâu. Huyện lên, tỉnh hỏi, đi đâu đó mày”… là để chỉ cái chuyện xa xôi cách trở thời cả nước có 38 đơn vị hành chính.

Sau hơn 10 năm sáp nhập, tỉnh Nghĩa Bình phải tách trở lại thành 2 tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định; Gia Lai - Kon Tum tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; Phú Khánh thành Phú Yên - Khánh Hòa; Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình.

Sau đó là làn sóng tách tỉnh khắp 3 miền, cho đến khi cả nước có đến 64 tỉnh, thành phố vào năm 2003.

Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung vẫn là do rộng quá, không quản nổi, tách ra để các địa phương phát triển. 

Nhắc lại chuyện này trong bối cảnh cả nước đang tích cực chuẩn bị cho việc sáp nhập các tỉnh, thiết nghĩ cũng không thừa. Bởi, nếu không có gì thay đổi, 52 tỉnh, thành phố (gồm cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) phải sáp nhập để hình thành các tỉnh, thành phố mới vào tháng 9. Lúc này, đất nước cần như vậy.

Sau bao nhiêu năm phát triển, điều kiện về kinh tế - xã hội, hạ tầng, công nghệ, trình độ quản trị, dân trí đã khác. Một chàng trai muốn vươn vai làm người lớn, không thể cứ mãi bó mình trong một tấm áo chật chội, không hợp thời được nữa, mà phải dũng cảm xé toang tấm áo cũ kỹ đó để tìm đến với những điều mới mẻ, hiện đại, tầm vóc hơn.  

W-Quy Nhơn   Bình Định (2.jpeg
Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. 

Nhập tỉnh để mở rộng không gian phát triển - điều đó đã rõ. Không tổ chức huyện là bỏ cấp trung gian, để chính quyền cấp tỉnh với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, rành công nghệ, tác phong chuyên nghiệp được gần dân, sát việc hơn, ắt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho nền công vụ; để người dân bớt kêu ca về tình trạng quan liêu, đủng đỉnh của một số cán bộ công quyền.

Sáp nhập tỉnh, ắt phải lo từ việc đặt tên, đến việc chọn trung tâm hành chính chỗ nào cho phù hợp, để địa phương “nhập vào” không thấy tủi thân, để những giá trị về văn hóa, phong tục, tiềm năng của một vùng đất không bị bỏ quên trong quá trình vận hành tỉnh mới.

Nhưng sâu xa hơn, lâu dài hơn là việc phân bổ nguồn lực thế nào để không xảy ra chuyện so bì, tị nạnh, dẫn tới cục bộ, bè phái, mất đoàn kết… như từng xảy ra mấy mươi năm trước. Ấy cũng là điều cần quan tâm.

Không tổ chức cấp huyện, nhập xã để xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, tất yếu, những xã mới sẽ lớn hơn rất nhiều, khi mỗi huyện chỉ còn vài ba xã. Mô hình nào, cách gọi nào cho đơn vị hành chính cơ sở: Xã, phường, đặc khu, hay thành phố (ngang cấp xã), đặt tên mới như thế nào… tất cả đều phải cân nhắc kỹ càng.

Khi phần lớn chức năng của huyện được cán bộ mang theo về cơ sở, các xã mới cũng sẽ hoạt động khác trước. Có thể ban đầu còn lạ lẫm, nhưng lâu dần sẽ quen.

Bài học từ việc đưa công an chính quy về xã, rồi bỏ cả công an huyện sẽ là kinh nghiệm quý trong quá trình sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương theo hướng gọn, mạnh, hiệu lực hiệu quả như yêu cầu của Trung ương.

Ảnh: Hoàng Hà

Thiết kế: Amy Nguyen