Gia đình tôi đang có ý định dịp Tết này di chơi du xuân. Chúng tôi đang lo lắng là khi tới các khu du lịch vào dịp trong và sau Tết thường sẽ xảy ra tình trạng tăng giá dịch vụ lên cao. Vậy những hành vi chặt chém giá dịch vụ thì bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Anh Van (TP.HCM)

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Điều 18, Nghị định 177/2013 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ mà không niêm yết giá hoặc bán cao hơn so với giá niêm yết thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12, Nghị định 109/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016).

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người nào không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Trường hợp bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Nếu hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện mà bán cao hơn giá niêm yết thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi.

Như vậy, tổ chức nào thu tiền khách hàng cao hơn giá niêm yết, chặt chém giá dịch vụ, hàng hóa sẽ bị phạt với mức như trên.

Người dân khi phát hiện cá nhân, tổ chức nào tăng giá, chặt chém giá hàng hoá dịch vụ thì có thể phản ánh, liên hệ tới cơ quan quản lý thị trường, UBND cấp xã, cấp huyện tại địa phương nơi đó để được hỗ trợ, xử lý.

Theo Pháp luật TPHCM