Cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật vừa qua ở Hy Lạp trước hết chính là sự huy động các công dân Hy Lạp hậu thuẫn chính phủ trong việc dành lại phẩm giá từ các “chủ nợ”.

Thật vậy, hôm 27-6 vừa qua, khi loan báo với dân chúng Hy Lạp quyết định trưng cầu dân ý, Thủ tướng Alexis Tsipras đã giải thích lý do: “Sau năm tháng thương thuyết gay gắt, các đối tác của chúng ta đã bất hạnh thay đi đến một đề nghị dưới dạng tối hậu thư gửi đến nền dân chủ Hy Lạp và nhân dân Hy Lạp... áp đặt lên nhân dân Hy Lạp những gánh nặng mới, không thể nào chấp nhận được... Các đề xuất đó... đụng chạm trực tiếp đến các giá trị cơ bản là quyền được lao động, công bằng và tôn trọng phẩm giá”. Thủ tướng Tsipras kết thúc bằng lời hiệu triệu nhân dân Hy Lạp “Vì chủ quyền và phẩm giá của dân tộc chúng ta”. Hai ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, ông lại nhắc nhở hãy bỏ phiếu “không” vào Chủ nhật này để “sống với phẩm giá trong châu Âu”. Tối Chủ nhật 5-6, sau khi có kết quả nói “không” với việc tuân theo các điều kiện của các “chủ nợ”, ông Tsipras lại nói rằng đây là cuộc bỏ phiếu vì phẩm giá của quốc gia và dân tộc.

{keywords}

Phẩm giá là gì ở trường hợp Hy Lạp? Đầu tiên là không để cho các “chủ nợ” xem chính phủ này là “con nợ” và muốn “bảo gì, làm nấy”. Như ông Tsipras cảm nhận: “Các đề nghị này chứng tỏ sự kiên quyết, đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhằm bảo vệ bằng mọi giá một chính sách khắc khổ cực kỳ và mang tính trừng phạt..., nhằm mục tiêu làm nhục cả một dân tộc”. Hoặc qua kêu gọi tối thượng của ông: “Đứng trước một tối hậu thư mà mục đích là buộc chúng ta chấp nhận một sự khắc khổ vô cùng tận, không một chút triển vọng ngóc đầu lên lại về mặt xã hội và kinh tế, tôi mời quý công dân nói lên ý kiến của mình một cách tự chủ, kiêu hãnh, do lẽ chính lịch sử Hy Lạp kêu gọi quý công dân”.

Những hiệu triệu của Thủ tướng Tsipras về phẩm giá quốc gia, dân tộc, là những phản ứng muộn màng sau khi hàng loạt chính phủ trước đã vì “tham ăn, cố uống” mà đưa đất nước vào tình trạng nợ ngập đầu, nay phải chịu thân phận “con nợ” trong tay các chủ nợ. Đây chính là bài học cơ bản từ sự vỡ nợ của Hy Lạp cùng cuộc trưng cầu dân ý này. Để “vỡ nợ” là điều mà các chính phủ trước, khi buông thả vay nợ đã không nghĩ đến hoặc đã nghĩ đến song vẫn bất chấp. Giờ đây, khi phải “đổ vỏ” cho các chính phủ trước “xơi ốc”, khi bị các chủ nợ dồn đến chân tường, Chính phủ Tsipras đã phải dựa vào sức dân để chống trả, như ông tuyên bố vào buổi tối trưng cầu dân ý rằng ngày mai chính phủ sẽ thương thuyết với một tư thế mạnh mẽ hơn sau khi các công dân bỏ phiếu bày tỏ ý muốn của mình.

Đến đây tất cả ý nghĩa của động từ “trưng cầu ý dân” thể hiện ra hết, có thể được xem như là một thí dụ kinh điển tân thời về ý nghĩa của trưng cầu dân ý:

1. Chính phủ Hy Lạp, để sống còn với các chủ nợ trong đàm phán, đã dựa hoàn toàn vào dân. Chưa bao giờ khái niệm “do dân, vì dân” lại được chứng minh như thế.

2. “Luật chơi” của hành động trưng cầu ý dân này rất rõ ràng: nếu ý dân là khác với ý chính phủ, Chính phủ Tsipras sẵn sàng ra đi. Đây lại là một thí dụ kinh điển tân thời nữa về sự vận hành một cuộc trưng cầu dân ý, mà ở những nơi nào còn suy nghĩ rằng ý dân phải là một với ý của nhà nước, phải xem đó là bài học sống.

Chính phủ Hy Lạp đã cho các chính phủ thấy rằng, trước một vấn đề sinh tử của đất nước, không một chính phủ nào có quyền định đoạt thay dân chúng, trái lại phải nghe ý dân một cách không cãi, chứ không thể áp đặt ý của chính phủ lên dân chúng.

3. Một khi có sức dân sau lưng, chính phủ đó sẽ càng vững vàng hơn trong vấn đề đang phải giải quyết, các đối thủ phải e dè hơn. Cái phẩm giá suýt mất đi khi các chính phủ tiền nhiệm đưa đất nước vào tình trạng công nợ vỡ, phải mất chủ quyền, nay có hy vọng được chính các đối thủ đó nể vì hơn.

Bài học chung về sự bể nợ của Hy Lạp là: Điều tối kỵ mà các chính phủ cần tránh là đừng sa đà với thói vay nợ, lấy vay nợ làm động lực cho mọi chương trình kinh tế, kẻo hậu quả nhãn tiền, chỉ sau 10 năm là phần lớn các món nợ sẽ đáo hạn.

(Theo TBKTSG)